Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa thành phố năm 2024 ước đạt 3,27 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2023. Đây là kết quả khả quan và tạo đà tăng tốc xuất nhập khẩu trong năm 2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Sản xuất tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. Ảnh: M.QUẾ |
Doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực
Năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng ước đạt 220 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2023, là một trong các ngành hàng chủ lực góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thành phố. Sự tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự bứt phá của các thị trường trọng yếu và nửa cuối năm 2024 cũng là giai đoạn đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, sản xuất của công ty tiếp tục duy trì ổn định với lượng đơn hàng ký kết đến quý 2-2025, dự kiến doanh thu năm 2024 vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ do giảm được một số chi phí sản xuất. Công ty đang vận hành nhà máy với 2 phân xưởng trong khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, công suất tối đa 7.300 tấn sản phẩm/năm.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục và đẩy mạnh kinh doanh, cuối năm 2024, công ty triển khai mua mới máy móc thiết bị gồm hệ thống máy luộc tôm công suất 750kg/giờ và băng chuyền cấp đông lai HQF nhằm thay đổi hệ thống cấp đông, máy luộc đã cũ với tổng mức đầu tư gần 6,6 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận năm 2024 của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 nhờ điều tiết, thay đổi cơ cấu hàng thủy sản cá và tôm. Bên cạnh đó là đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại, cụ thể là máy phân nhỏ cỡ camera 6 size để phân loại tôm thẻ HOSO, HLSO thành 6 tổ hợp size tôm khác nhau cùng các máy móc khác trị giá 6,94 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu về quy trình và chất lượng sản phẩm ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Trong khi đó, doanh thu năm 2024 của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) đạt khoảng 103% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc công ty cho biết, kết quả này có được nhờ hoạt động sản xuất ổn định và lượng hàng tiêu thụ tại các thị trường đối tác của công ty tăng, bên cạnh đó, công ty vừa đầu tư nhiều máy móc với trị giá hàng chục tỷ đồng để tối ưu năng suất, nâng hiệu quả của các công đoạn.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm), dự kiến doanh thu năm 2024 của công ty ước đạt 477 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, đạt 107% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu của Foster Đà Nẵng năm 2024 ước đạt 19 triệu USD, tương đương với 11,5 triệu sản phẩm linh kiện điện tử, đạt 107% kế hoạch năm 2024.
Sản xuất tại Công ty TNHH In Trùng Khoa. Ảnh: M.QUẾ |
Triển khai các giải pháp tăng tốc
Theo Cục Thống kê thành phố, ước tính năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3,27 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2023, trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,91 tỷ USD, tăng 2,9%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 19,2%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 duy trì xuất siêu 550 triệu USD. Một số mặt hàng chủ lực của thành phố: hàng dệt may ước đạt 498 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2023; thủy sản ước đạt 220 triệu USD, tăng 4,3%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 648 triệu USD, tăng 4%... Riêng một số ngành hàng xấp xỉ cùng kỳ như thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ ước đạt 21,5 triệu USD; đồ chơi trẻ em ước đạt 97 triệu USD, cao su thành phẩm ước đạt 125 triệu USD.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định, Đà Nẵng được Quốc hội cho phép thí điểm khu thương mại tự do, phát triển trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trung tâm vùng về logistics… hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Đây là điều kiện thuận lợi để tăng tốc xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường thế giới liên tục biến động thì việc thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và quan trọng.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8-9% so với năm 2024; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 5-6% so với năm 2024. Để thực hiện mục tiêu trên, sở tiếp tục triển khai nhóm giải pháp về các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất chủ trương xây dựng các chính sách phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn Đà Nẵng.
MAI QUẾ