Sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

.

HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Sinh viên ngành thiết kế vi mạch trong giờ học tại Trường Đại học Bách khoa. Ảnh: HOÀNG NHUNG
Sinh viên ngành thiết kế vi mạch trong giờ học tại Trường Đại học Bách khoa. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Chính sách ưu đãi vượt trội

Để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thành phố đề ra nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội với tổng kinh phí dự kiến khoảng 873 tỷ đồng, bao gồm chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhận tạo với những tiêu chí: có năng lực, chuyên môn xuất sắc; có năng lực tập hợp và quy tụ phát triển đội ngũ thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Chính sách đối với các chuyên gia, nhà khoa học là được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Nhà nước. Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại thành phố không quá 20 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá một năm; đồng thời được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam, nếu được công bố quốc tế thì mức hỗ trợ là 50 triệu đồng.

Trong 5 năm tính đến thời điểm tuyển dụng, chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chuẩn: đã từng có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm đối với người làm việc tại Việt Nam hoặc có mức thu nhập từ 5 tỷ đồng/năm đối với người làm việc ở nước ngoài; có học vị tiến sĩ trở lên và có hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; có tối thiểu 3 năm đảm nhiệm một trong các vai trò quan trọng như giám đốc, quản lý, kỹ sư cao cấp tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên; hoặc tại cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới. Các chuyên gia, nhà khoa học phải được tuyển dụng tại Đà Nẵng với thời gian tối thiểu một năm.

Bên cạnh đó, sinh viên học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố được vay học phí lên đến 180 triệu đồng cho toàn bộ chương trình đào tạo. Nếu sinh viên tốt nghiệp và làm việc ít nhất 3 năm tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố sẽ được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi vay ban đầu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cho rằngnhững chính sách này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người học mà còn góp phần thúc đẩy nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường cam kết trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí để xây dựng quỹ học bổng khuyến khích học tập, trong đó mức học bổng thấp nhất tương đương với học phí của chương trình đào tạo mà sinh viên phải đóng.

Cùng với mục tiêu đào tạo 5.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn cho thành phố đến năm 2030, chính sách hỗ trợ nhân lực là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhằm phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.

Mở rộng quy mô đào tạo

Năm học 2024-2025, Trường Đại học Bách khoa mở mới chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông. Sinh viên được học các học phần như: thiết kế vi mạch tương tự, thiết kế vi mạch số, thiết kế vật lý… Trường cũng xây dựng các phòng thí nghiệm về điện tử cơ bản và nâng cao, phòng thực hành thiết kế vi mạch, phòng thí nghiệm điện tử cơ bản. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Mỹ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho các giảng viên trong mảng thiết kế vi mạch; hợp tác với các công ty lớn trong lĩnh vực này như: Cadence, Synopsys, Renesas, Siemens, Microchip… để xây dựng và phát triển nội dung giảng dạy phù hợp.

Năm học này, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tuyển 60 sinh viên khóa đầu tiên về kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Con số này dự kiến nâng lên 600 -1.000 kỹ sư vào năm 2028. PGS.TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và kỹ thuật, Đại học Duy Tân cho biết, hiện trường đang đào tạo 148 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, 102 sinh viên ngành AI, ngoài ra có 4.200 sinh viên đang học ngành gần vi mạch bán dẫn và AI. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, thành phố đã chuẩn bị nguồn lực, việc còn lại của các trường là xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, phát triển cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trong ngành. Hiện nay có 4 trường gồm Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Duy Tân mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và chính thức tuyển sinh từ tháng 8-2024 với 320 sinh viên. Các trường cũng mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp ngành gần kỹ sư vi mạch sang thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên và 59 giảng viên.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.