.

Đường Quang Trung: Dấu xưa vang mãi

.

ĐNĐT - Không mang vẻ hào nhoáng của một con đường nằm ngay trung tâm thành phố, cũng không đến mức thâm nghiêm hay quá xô bồ... Mỗi một vị trí của đường Quang Trung như một phân đoạn kịch bản phim với sự thanh thoát, nhẹ nhàng và có chút gì đó buồn man mác…

Đoạn đầu cung đường Quang Trung với dáng dấp hiện đại
Đoạn đầu cung đường Quang Trung với dáng dấp hiện đại

Theo tư liệu đường phố Đà Nẵng xưa, đường Quang Trung được xây dựng từ thời Pháp thuộc và xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1902 với tên gọi đại lộ Montigny. Đây là tên của một nhà ngoại giao người Pháp đã từng thương thuyết với triều đình Huế xin mở cửa thông thương cảng biển Đà Nẵng (1856).

Đến năm 1919, đại lộ Montigny đổi tên thành Clémenceau – tên của Thủ tướng nước Pháp từ năm 1906 – 1909. Sau năm 1955, đại lộ Clémenceau đổi tên lần thứ 3: Quang Trung - tên này tồn tại cho đến ngày nay.

Từ đường Bạch Đằng rẽ tay trái đi lên, đường Quang Trung như một chiếc giếng trời ngửa mặt đón gió sông Hàn thổi vào lồng lộng. Cũng từ phía tay trái này, 5 cây xà cừ cổ thụ nằm tựa lưng vào trụ sở UBND thành phố với đường kính khoảng ba người lớn dang tay mới ôm trọn. Có lẽ, ít có con đường nào của Đà thành còn lại loại cây nhiều năm tuổi như xà cừ ở đây, các tán lá cao che rợp cả một góc đường.

Sau nhiều năm Đà Nẵng thực hiện chỉnh trang, xây dựng với tốc độ “chóng mặt”, dù nhiều công trình khách sạn, nhà cao tầng mọc lên thì tuyến đường vẫn còn giữ nguyên những kí ức lịch sử đáng nhớ.

Lần giở những tấm ảnh mà Hội kiến trúc sư thành phố vẫn còn lưu giữ thì quả thực ngày ấy đường Quang Trung đã không kém phần sang trọng bởi được đầu tư xây dựng khá khang trang, bài bản. Đường phố tương đối rộng, thoáng và nhiều cây xanh, dù cho nhà cửa còn thưa thớt.

Tư liệu ảnh còn cho thấy dấu tích của bến tàu Courbet luôn tấp nập thuyền bè ra vào ngay trước ngã ba Bạch Đằng – Quang Trung. Hình dung về một thành phố Tourane buổi đầu sầm uất, nhộn nhịp là nền tảng cho sự bắt nhịp phát triển Đà Nẵng hôm nay.

Trên con đường này có một ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải: Nguyễn Huệ. Có lần tới trường để liên hệ công việc, trong buổi khai giảng năm học mới chúng tôi đã được thầy hiệu trưởng nhắc lại truyền thống lịch sử nơi này. Trước đây, trường có tên Bồ Đề (còn gọi là trường Trung học Quyết Thắng) sớm có phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ từ những ngày đầu thành lập năm 1963. Cuối những năm 1967, đầu 1968 trường có hai hầm bí mật được xây dựng để chôn giấu vũ khí, nuôi cán bộ chỉ đạo hoạt động cách mạng thành phố.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, một tổ chiến đấu đặc công giải phóng quân gồm 8 đồng chí thuộc Thành đội Đà Nẵng đã dùng sân thượng và văn phòng nhà trường làm pháo đài, khống chế và đánh chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng trên đường Quang Trung.

Những năm tiếp theo, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất vẫn được phát huy cho tới ngày toàn thắng. Ngày nay, ngôi trường THCS Nguyễn Huệ được xây lại trên một khuôn viên khá đẹp giữa lòng thành phố. Đây là “vùng” kỉ niệm thân quen gắn bó với nhiều thế hệ học sinh đã và đang trưởng thành dưới mái trường này. Hào khí từ ngôi trường mang tên Bồ Đề vẫn tiếp tục được lưu giữ.

Nếu như đầu đường Quang Trung, những khoảng trống thoáng đãng giúp ta cảm giác được thả lỏng, thì phía cuối con đường, bức tranh nhiều màu sắc của những con người với những thân phận khác nhau, khiến ta nghĩ nhiều về nhân sinh quan.

Ngã 4 giao giữa Quang Trung và Nguyễn Thị Minh Khai đánh giấu
Từ ngã 4 giao giữa Quang Trung và Nguyễn Thị Minh Khai đánh dấu cung đường nhiều bệnh viện và nhà thuốc

Quang Trung là con đường duy nhất của thành phố có nhiều bệnh viện và nhà thuốc đến như vậy. Với chiều dài 1.250m, rộng 8m nối từ đường Bạch Đằng đến Trần Cao Vân, đường Quang Trung tập trung đến 4 bệnh viện lớn của thành phố gồm: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Trung tâm cấp cứu Hải Châu, Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng.

Không kể ngày đêm, con đường chở những chiếc xe màu trắng hụ từng hồi còi dài, hối hả chạy về phía cấp cứu của bệnh viện. Cũng không kể ngày đêm, phía trước các bệnh viện luôn đông đúc, tấp nập người vào ra, mua bán. Những chiếc xe đẩy nhỏ, vài chiếc bàn con xếp san sát bên nhau, giản dị và tạm bợ nhưng lại tập hợp đầy đủ tất cả các món ăn chính của Đà Nẵng, đảm bảo giúp người bệnh được đổi vị mỗi ngày…

Nơi có khoảnh sân rộng nhất trên đường Quang Trung có lẽ là Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng. Lý giải cho khoảnh sân quá rộng, lãng phí trong khi diện tích dành cho việc khám, chữa bệnh trong bệnh viện vẫn còn hạn chế, các bác sĩ nơi đây cho biết, khoảnh sân rộng đó đảm bảo để các xe cấp cứu và các giường đẩy có thể di chuyển dễ dàng trong trường hợp có ca cấp cứu tập thể…

Đường Quang Trung không khoe vẻ hào nhoáng của một con đường nằm ngay trung tâm thành phố, cũng không đến mức thâm nghiêm hay quá xô bồ... Mỗi một vị trí của đường cứ như một phân đoạn kịch bản phim với sự thanh thoát, nhẹ nhàng và có chút gì đó buồn man mác…

Đoạn đầu con đường là những tòa nhà cao trên dưới chục tầng như khách sạn Petro, nhà khách T26, Đại học Duy Tân hay Công viên phần mềm Quang Trung… mang dáng dấp hiện đại. Quãng giữa là nơi tập trung của các quán ăn, cà phê, nhà hàng, dịch vụ làm đẹp. Đoạn cuối lại là nơi nhắc nhở ta rằng, sự sống và cái chết luôn nằm trên ranh giới mong manh…

Duyên Anh – Diệp Như
 

;
.
.
.
.
.