ĐNĐT - Nhắm mắt, tôi cũng có thể chỉ vanh vách đoạn nào trên con đường Phạm Văn Nghị có cái ổ gà mà mỗi lần phóng xe qua phải lách mình điệu nghệ, đoạn nào có bán cháo bò ngon, đoạn nào có quán mít trộn lừng danh trong giới học trò…
Mua xô, có xô. Mua chiếu, có chiếu. |
Ngày trước, nhà tôi nằm sâu trong một con kiệt trên đường Phạm Văn Nghị. Mỗi lần ai hỏi địa chỉ nhà là giải thích… mắc mệt. Không hiểu sao dân Đà Nẵng lại ít người biết đến con đường này, thậm chí còn nhầm hẳn qua đường Lê Thanh Nghị (cách đó gần 5 cây số!). Chỉ đến khi tôi nói đây là một phần đường Phan Thanh cũ, nằm ngay bên hông Bệnh viện Hoàn Mỹ thì mới nghe “À!” lên một tiếng vỡ lẽ.
Trên một số Báo Đà Nẵng Cuối tuần, nhà giáo Lê Thí viết, đường Phạm Văn Nghị là con đường tri ân của người dân Đà Nẵng đối với ông Đốc học Nam Định. Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam.
Muốn một nơi yên tĩnh vừa nhấm nháp ly nước quả, vừa luyện nói tiếng Anh? Có luôn! |
Ông Phạm Văn Nghị lúc đó cũng vừa được bổ chức Đốc học ở Nam Định. Ông dâng sớ lên vua Tự Đức, xin được dẫn đội quân do mình chiêu mộ vào Đà Nẵng đánh giặc. Dẫu ý định không thành do quân Pháp rút vào Gia Định trước khi nghĩa quân kịp tới Đà Nẵng, chí khí của ông vẫn lay chuyển sĩ phu cả nước, khơi dậy tinh thần dân tộc khi đất nước nguy nan.
Hơn 150 năm trôi qua kể từ ngày ấy, giờ đây, tên vị Đốc học được người Đà Nẵng đặt cho một con đường nhỏ nhộn nhịp trong lòng thành phố. Đường dài chưa đầy 700m, gấp khúc thành hình chữ L, một đầu cắt với đường Nguyễn Văn Linh, đầu kia cắt đường Nguyễn Tri Phương. Con đường đó, tôi đã gắn bó suốt 18 năm tuổi nhỏ của mình.
Chợ Tân Lập xây 2 tầng khang trang… |
Đường Phạm Văn Nghị là một phố chợ đúng nghĩa. Chẳng lớn, chẳng dài, nhưng mua gì cũng có. Nhà nào có chút mặt tiền cũng tận dụng để bán hàng: từ chai dầu gội đầu, thùng mì tôm cho đến áo quần, thuốc men, rồi cả vật liệu xây dựng, café, khách sạn,… Bạn học của tôi ngày trước đến nhà thường nói đùa: “Bước ra khỏi nhà bạn là thấy… cả thế giới trong tầm mắt”
…nhưng đa số hoạt động buôn bán diễn ra dưới đường |
Ngay khúc gấp của chữ L là chợ Tân Lập. Chợ có một cái lạ là dù đã xây lên được hai tầng khang trang nhưng hầu như mọi hoạt động buôn bán đều diễn ra dưới mặt đất. Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường ghi những thứ cần mua ra giấy rồi sai tôi đi chợ.
Tôi cầm tờ “bảo bối” rảo một vòng từ hàng thịt vô hàng cá rồi chốt lại ở hàng rau, kiểu gì tới khi mỏi chân cũng được một giỏ thức ăn tạm ổn, dù hơi… “hớ”. Dẫu đi chợ có “thâm niên”, tôi vẫn chưa bao giờ leo lên đến tầng 2 của chợ. Tiểu thương có tâm lý thích bán chỗ nào càng gần đường càng tốt, thậm chí tràn ra cả lòng đường cũng… không sao. Chả thế mà chợ Tân Lập “khét tiếng” đối với Đội Quy tắc đô thị quận Thanh Khê, và cũng đã “nổi tiếng” nhờ mấy lần lên báo…
Giờ tan học buổi chiều trước cổng Trường tiểu học Hoa Lư. Ngay trước cổng có nhóm múa lân nho nhỏ, các em tập trung xem rất đông vui. |
Dẫu vậy, trong cái “khét” vẫn có cái “ngọt”. Tôi biết những cô bán trái cây cạnh nhau ngay lòng đường rộng trước chợ, dẫu là “đối thủ cạnh tranh” nhưng hễ người này có việc bận thì người kia sẽ trông giúp hàng, nói thách rồi mời mọc, đanh đá rồi dịu dàng với khách của “đối thủ” y chang như với khách của mình. Tôi biết một chú bán tôm ở Quảng Nam hay lên bán trước cửa chợ, đồ nghề chỉ có mỗi cái mẹt với thau nước.
Chú chẳng biết mời nhưng tôm vẫn mau hết nhờ cô bán sắn ngồi cạnh. Nghe cổ nói: “Ông ni không biết đi chợ, tôm toàn tôm ngon mà không biết bán, thôi lấy (mua) giùm ổng với”, thì ai cũng mua.Trường tiểu học ngày trước của tôi cũng nằm trên con đường Phạm Văn Nghị. Trường “làng”, học sinh đa số là con em lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ trong khu vực lân cận.
Phút nghỉ trưa yên bình |
Trường tên Hoa Lư, nhưng mỗi lần ai hỏi đến, bọn học trò đều trả lời là trường… Hư Loa (nói lái). Trường nằm gần chợ nên có thể hình dung số lượng hàng, quán “khủng” trên khu vực này. Này thì mít trộn “nức tiếng Đà Thành”, luôn có lượng da heo nhiều hơn các hàng khác. Này thì cháo chả đậm đà của một o gốc Huế. Này thì bún bò Hồng, bán đắt khách tới nỗi từ một quán lụp xụp, sau mấy năm cất lên được ngôi nhà hai tầng khang trang bề thế…
Đầu năm 2016, đường Phạm Văn Nghị được thảm nhựa lại mới tinh. Phố chợ không còn ngập mỗi khi mưa lớn, cũng không còn ổ gà, sống trâu lởm chởm. Nhưng cái hồn của phố chợ thì vẫn thế - vẫn sôi nổi, ồn ào, đông đúc tấp nập. Vẫn là cái lộn xộn mà đẹp lạ kì.
Phố chợ cũng có những lúc vắng và yên đến lạ. |
Nhưng tôi đoán, ai đến đường Phạm Văn Nghị vào buổi trưa thì sẽ… nghi ngờ về bài viết này ngay. Ban trưa, dịp lễ, ngày Tết… đường yên đến bất ngờ. Cánh xe ôm tranh thủ chợp mắt dưới bóng bàng bên hông Bệnh viện Hoàn Mỹ đầu phố. Chẳng còn chiếc xe bán tải chở hàng nào đi qua. Không có tiếng bóp còi của mấy cô, mấy dì đi chợ cóc. Những dịp ấy, con đường cũng tranh thủ nghỉ ngơi…
Phố chợ là thế. Có lúc dữ dội, đanh đá nhưng thực ra lại dịu dàng và hiền lắm.
Bài và ảnh: KHANG NINH