Thời còn là học sinh, khi lần đầu tiên tự mình đạp xe đi khám bệnh ở Bệnh viện Da liễu, không biết đường Dũng Sĩ Thanh Khê, tôi hỏi người dân thì được họ chỉ như vầy: “Có thấy cái tượng Mẹ Nhu kia không? Đó đó, cái đường hướng tay Mẹ “chỉ” đó!”.
Theo hướng tay Mẹ Dũng Sĩ Thanh Khê là con đường Dũng Sĩ Thanh Khê |
Con đường hướng tay Mẹ “chỉ”
Với những ai chưa hiểu rõ và sống lâu trên mảnh đất Đà Nẵng, có lẽ họ chỉ ấn tượng đường Dũng Sĩ Thanh Khê ở cái tên có phần… hơi dài. Nhưng với người dân Đà Nẵng, nhất là dân Thanh Khê, đọc tên con đường lên tự nhiên thấy trong lòng xốn xang bao niềm tự hào. Tình cảm đó càng thể hiện rõ hơn khi được thong dong đi bộ dưới những tán cây xanh um của cung đường, nhìn xa xa là tượng đài Mẹ Dũng Sĩ Thanh Khê sừng sững in bóng trên bầu trời xanh thẳm.
Xe cộ đi lại tấp nập ngay nút giao Dũng Sĩ Thanh Khê – Trần Cao Vân |
Không dừng lại chỉ là tên một con người như đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh,… hay tên một vùng đất như đường Hoàng Sa, Trường Sa,… đường Dũng Sĩ Thanh Khê gợi nhắc cho ta cả một câu chuyện dài bi tráng. Đó là câu chuyện về tinh thần chiến đấu anh dũng, hi sinh can trường của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ phường Thanh Lộc Đán trong trận đánh vang dội vào ngày 26-12-1968.
Vất vả mưu sinh |
Sau ngày giải phóng 1975, thành phố Đà Nẵng đã tạc tượng Mẹ Nhu làm bằng 7.000 vỏ đạn, đặt tại đường Điện Biên Phủ dẫn vào nội thành Đà Nẵng. Đó chính là Tượng đài Mẹ Nhu hay tượng đài Mẹ Dũng Sĩ Thanh Khê. Và theo hướng tay mẹ “chỉ” là con đường Dũng Sĩ Thanh Khê.
Những khác biệt đáng yêu
Đường Dũng Sĩ Thanh Khê sẽ dễ khiến cho những ai lần đầu đi thấy… hơi kỳ. Kỳ vì trên cùng một đường thẳng nhưng đoạn đầu là Trần Cao Vân, đi chừng 100m mới bắt đầu đường Dũng Sĩ Thanh Khê. Đã thế, vừa qua Bệnh viện Da liễu, đang đi thẳng “ngon lành” thì bỗng dưng phải bẻ tay lái men theo con đường nhỏ, cong cong bên tay trái mới đi đúng đường Dũng Sĩ Thanh Khê vì đi thẳng là đường Thanh Khê 6. Tôi cũng từng hai lần bị nhầm ở cái khúc ngoặc kì cục ấy. Lần đầu ngạc nhiên quá đã thốt lên: “Ôi nhầm đường rồi!” khiến ai cũng nhìn.
Một bầu trời hoa tim tím nơi ngã rẽ của con đường |
Tuy có hơi kỳ nhưng chính cái ngã rẽ ấy lại như một cái móc, một nốt lặng cho những khác biệt. Đó là sự đối lập giữa ồn ào – im ắng, sôi động – bình yên, đông đúc – vắng vẻ giữa đoạn đầu và cuối con đường.
Trường Đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng |
Điểm đầu của con đường là một ga Thanh Khê luôn rầm rì hoạt động suốt ngày đêm, là Trường Đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng, cái nôi đào tạo nhân lực thể thao, là một Trường Cao đẳng Thương mại với quy mô khá rộng lớn và một Bệnh viện Da liễu luôn tấp nập bệnh nhân. Chừng đó địa điểm “dư” khiến cung đường sầm uất. Thậm chí đôi khi khiến người đi đường phát bực vì quá đông đúc, nhất là vào những giờ tan học, sinh viên nêm kín đường.
Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng |
Tuy nhiên, khi rẽ vào cái ngõ nhỏ như đã nói là một bầu không khí khác hẳn. Càng về cuối đường, càng bình yên đến trầm mặc, mang đúng nghĩa là một khu dân sinh. Ở đó rất dễ bắt gặp hình ảnh các cụ bà tụm năm tụm bảy nói chuyện phiếm, mấy cụ ông trầm ngâm đánh cờ tướng và những cái lưng còng mải miết gom lá rụng,…
Khung cảnh nhộn nhịp ở đoạn đầu con đường |
Nhưng bình yên nhất là nhìn cành phượng vĩ rủ xuống cổng Làng Hy Vọng. Bất giác thấy thương thương, thấy vấn vương chẳng rõ điều gì, chắc cũng như những chiếc lá phượng bám vào tóc người con gái đi đường.
Làng Hy Vọng – ngôi nhà của trẻ mồ côi trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam |
Có những con đường chẳng để lại ký ức gì. Lại có những con đường khiến người ta mong nhớ muốn đi lại nhiều lần, tự tạo kỷ niệm cho riêng mình. Khi phải đi xa, không biết có ai nhớ về khoảng trời trong veo, đầy hồi ức nơi cung đường Dũng Sĩ Thanh Khê không. Với riêng tôi thì có rất nhiều…
CHIÊU ANH