ĐNĐT - Nhắc đến đất Hòa Khánh, ấn tượng của nhiều bạn trẻ không phải là trục đường chính Tôn Đức Thắng, cũng chẳng phải là đường Âu Cơ với chợ Hòa Khánh sầm uất mà phải là “con đường sinh viên” Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Là con đường nối giữa phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Khánh Bắc nên đường Phạm Như Xương luôn tấp nập xe cộ. |
Thời đại học, đêm đầu tiên từ trung tâm thành phố lên đất Hòa Khánh ở trọ, tôi… mém khóc vì nhớ khung cảnh nhộn nhịp nơi phố. Hòa Khánh khi ấy trong tôi là một nơi hơi buồn và cô quạnh. Sống lâu, tôi mới vỡ ra mình đã nhầm về nơi này.
Con đường sinh viên
Hòa Khánh thường được người ta gọi là “thiên đường sinh viên” bởi có nhiều trường như Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch. Tuy nhiên, con đường mang đậm nét sinh viên nhất thì chỉ có thể là đường Phạm Như Xương. Thậm chí, tuy có xa trường nhưng rất nhiều sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch vẫn chọn trọ ở đường Phạm Như Xương để được sống đúng “chất” cho thời sinh viên của mình.
Đường Phạm Như Xương thu hút đông sinh viên |
Xe vừa lăn bánh qua khỏi Trường Đại học Sư phạm, ngay ngã ba đầu tiên là nút giao Tôn Đức Thắng – Phạm Như Xương. Tôi mang theo những khúc mắc kèm nhiều lời đồn đại trong giới sinh viên về con đường trứ danh này trong cảm giác ngờ vực lẫn thích thú.
Và điều ngạc nhiên đầu tiên là: Sinh viên đi đâu mà đông thế? Sức sống mạnh mẽ nhất của con đường là khi đèn đường bật sáng, từng tốp sinh viên rảo bước dọc đường trong tiếng cười nói rổn rảng.
Hàng ăn, hàng nước nào hai bên đường cũng đông đặc. Náo nhiệt và sôi động. Có sinh viên nên đường Phạm Như Xương “thức” khá sớm và “ngủ” rất muộn. Riêng những đêm có bóng đá, đường hầu như “thức trắng”.
Cũng vì là “con đường sinh viên” nên đường Phạm Như Xương còn là “con đường ăn uống”. Từ những món ăn vặt như bèo, nậm, lọc, mít trộn, ốc hút,… đến các món ăn no như bún bò, bánh canh, mỳ Quảng, hủ tiếu,… hay cà phê, trà sữa…, không thiếu một món nào. Giá cả ở đây rất bình dân khi không quá 15.000 đồng/món.
Dãy hàng quán san sát nhau trên đường Phạm Như Xương |
Người dân Hòa Khánh, trừ những cán bộ, công chức Nhà nước ra, đều khẳng định mình sống nhờ sinh viên. Ở đây, bán mua thứ gì cũng dễ. Có cô Sáu ở Quảng Nam ra thuê trọ bán bánh xèo rất đông khách, có vợ chồng chị Mai từ Huế vào bán bánh canh cá lóc từ đầu giờ tối tới 21 giờ là hết sạch,… Những dịp hè hay Tết, sinh viên về với gia đình, đường nào vắng sinh viên buồn không biết chứ đường Phạm Như Xương vắng sinh viên là như… con xa mẹ.
Chị Thu, một người chuyên nhận sửa quần áo ở đây từng than thở khi vào hè: “Mong cho sinh viên vô học nhanh nhanh chớ vắng bọn nó buồn quá, thấy bọn nó đi ngoài đường nhìn không cũng vui mắt!”.
Đổi thay từ một chủ trương
Trước đây, đường Phạm Như Xương từng là nỗi ám ảnh với người dân bởi cứ mưa là ngập, đường sá xuống cấp trầm trọng làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Năm 2009, ngay khi được Nhà nước vận động hiến đất mở rộng đường theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, gần 240 hộ dân nằm trên tuyến đường Phạm Như Xương liền gật đầu đồng ý.
Kể từ khi làm đường cho đến nay, đường Phạm Như Xương rộng rãi, thông thoáng, sạch sẽ; trở thành con đường huyết mạch đi giữa khu dân cư đông đúc, nối dài từ đường Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn phường Hòa Khánh Nam đến đường Âu Cơ trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc.
Đường thông, hè thoáng, cây cối xanh um thay cho con đường lầy lội |
Nhớ lại sự kiện năm nào, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổ trưởng tổ 44, phường Hòa Khánh Nam vẫn còn bồi hồi: “Bà con ta nhiệt tình lắm khi chỉ sau hơn 4 tháng vận động, 239 hộ dân sống hai bên tuyến đường đã đồng ý hiến hơn 7.000m2 đất tương đương số tiền hơn 10,1 tỷ đồng để làm đường”.
Nói về sự đổi thay của quận Liên Chiểu hôm nay, hay cần một ví dụ minh họa sinh động cho tinh thần “Nói dân hiểu – làm dân tin” thì đường Phạm Như Xương có lẽ là minh chứng cụ thể và chính xác nhất. Bởi lẽ, đường Phạm Như Xương như bàn đạp để chính quyền và nhân dân quận Liên Chiểu tiến tới mở rộng các con đường Nam Cao, Tô Hiệu cùng theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bài và ảnh: Bình An