ĐNO - Bằng sự kiên nhẫn và đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, suốt 14 năm qua, anh Phan Quan Dũng đã hoàn thiện vô số tác phẩm sinh động từ cát.
Trong một lần xem biểu diễn vẽ tranh cát trên truyền hình, anh Phan Quan Dũng (SN 1988, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã đem lòng yêu mến bộ môn này.
Không lâu sau đó, anh gác lại công việc đầu bếp tại một resort và di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo học nghề vẽ tranh cát từ nghệ nhân tranh cát Ý Lan (tên thật Trần Thị Hoàng Lan) - người tiên phong trong nghệ thuật tranh cát Việt Nam.
Quá trình theo học bộ môn này, không ít lần anh Dũng muốn từ bỏ. Nhưng với niềm đam mê và sự cố gắng, chăm chỉ luyện tập, anh Dũng đã có thể nắm vững những kỹ năng và bắt đầu tạo nên những tác phẩm của riêng mình sau hai năm.
Hiện nay, anh Dũng có thể vẽ đa dạng chủ đề như: phong cảnh, chân dung, nghệ thuật, thư pháp, các kiến trúc đặc biệt, các loài hoa, loài thú, vv....Trong đó, chân dung là khó thực hiện nhất vì phải làm thật giống và thật sống động.
Theo anh Dũng, đối với nghề vẽ tranh cát, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, sức khỏe tốt (không bị run tay, mắt nhìn rõ) vì thời gian hoàn thiện một tác phẩm có thể lên đến hàng giờ đồng hồ. Phụ thuộc vào độ phức tạp và kích thước, có những tác phẩm, phải mất đến cả tháng để hoàn thiện.
Anh Dũng cho biết, anh muốn đào tạo nhân lực để tiếp tục duy trì, kế thừa và phát huy bộ môn này. Đồng thời, phát triển tranh cát thành một sản phẩm lưu niệm đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, anh vẫn chưa tìm thấy ai có đủ kiên trì để theo đuổi bộ môn này.
Hiện nay, anh Dũng nhận làm các tác phẩm theo đơn đặt hàng. Các tác phẩm được anh thực hiện theo yêu cầu của khách hàng hoặc do chính anh tự sáng tạo.
|
Anh Phan Quang Dũng (SN 1988, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) theo nghề vẽ tranh cát từ năm 2010. |
|
Nguyên liệu để vẽ tranh cát là cát thiên nhiên được anh Dũng lấy trực tiếp từ thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...Cát sau khi lấy về phải trải qua các bước gồm: rửa cát, phơi khô và cuối cùng rây cát qua 2 lượt để thu được thành phẩm cát mịn. |
|
Dụng cụ vẽ tranh cát được anh Dũng tự chế từ những chiếc muỗng inox và thanh tre, bao gồm dụng cụ đổ cát và phần thanh tre được chuốt nhọn gọi là bút vẽ. |
|
Để bảo đảm tính chính xác, tác phẩm sẽ được anh Dũng phác họa trước lên bề mặt kính. Sau đó, tiến hành đổ cát từ dưới lên trên. |
|
Bút vẽ dùng để tạo đường nét trên cát, đồng thời để nén chặt cát, không để cát bị xê dịch khi di chuyển. |
|
Khác các loại tranh khác là vẽ trên một mặt phẳng, không gian sáng tạo của tranh cát chỉ rộng khoảng 1cm. Các lớp cát chất chồng lên nhau, không có chất kết dính, vì vậy, người vẽ phải tập trung cao độ, tỉ mỉ từng chi tiết. |
|
Theo anh Dũng, đối với nghề vẽ tranh cát, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn, thận trọng trong từng hạt cát để tạo nên những hòa sắc sinh động, chính xác ở từng đường nét. |
|
Tác phẩm tranh cát “Cầu Rồng về đêm” được anh Dũng hoàn thiện sau gần hai tiếng. |
|
Những tác phẩm tranh cát của anh Dũng có giá từ 300.000 đồng, có thể lên đến vài chục triệu đồng, phụ thuộc vào độ phức tạp và kích thước của tác phẩm. |
|
Mỗi tác phẩm đều được anh Dũng hoàn thiện tỉ mỉ và đầy tâm huyết. |
THU DUYÊN