Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) hiện nay đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của nhân dân. Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa X (2021-2026) HĐND thành phố đã tập trung thực hiện nhiệm vụ này thông qua hoạt động giám sát, thẩm tra theo quy định của pháp luật.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) kiểm tra thực tế dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn, đoạn từ chợ Chiều đến khu dân cư Phước Tường cuối năm 2022. |
Từ việc tăng cường công tác giám sát
Nhiệm kỳ khóa X (2021-2026) của HĐND thành phố được bắt đầu từ tháng 6-2021, đây cũng chính là thời điểm thành phố bước đầu chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Do đó, đối tượng và nội dung giám sát của HĐND thành phố cũng tăng lên. Hoạt động giám sát của HĐND thành phố được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã phân định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm, tăng thời lượng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp và nổi cộm, bức xúc của người dân và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới bằng nhiều hình thức, nhất là ở lĩnh vực PCTNTC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; thẩm tra các báo cáo của Công an thành phố, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố về công tác điều tra, truy tố, xét xử; lồng ghép thông qua thảo luận các báo cáo kinh tế-xã hội.
Công tác chất vấn các thành viên UBND tại các kỳ họp HĐND và phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thành phố trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng tốt trong việc nêu cao trách nhiệm cá nhân. Sau mỗi phiên chất vấn, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức tái giám sát các vấn đề, các cam kết trước nhân dân và cử tri địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, đến nay, HĐND thành phố đã ban hành 37 nghị quyết để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, không để lợi dụng sơ hở, bất cập để tham nhũng, tiêu cực, nhất là liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và một số Nghị quyết về tiêu chuẩn, định mức, cụ thể như: Nghị quyết số 150/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 về việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền của thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND; Nghị quyết số 71/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 về việc ban hành nguyên tắc và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách thành phố cho ngân sách huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025… Trên cơ sở các nghị quyết đã ban hành, UBND thành phố đã triển khai bằng các quyết định liên quan, đây sẽ là các nội dung trọng tâm, các vấn đề cần bám sát theo dõi, giám sát, gắn liền với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Thực hiện chức năng giám sát trong công tác PCTNTC, các Ban HĐND thành phố đã lồng ghép giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đáng chú ý, khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách, nên việc thẩm tra trong lĩnh vực đầu tư, ngân sách của thành phố hằng năm được các Ban HĐND thành phố phải tập trung nhiều thời gian hơn, sâu hơn để kết quả tốt nhất.
Từ năm 2022 đến nay, Thường trực HĐND thành phố, các Ban của HĐND thành phố đã tiến hành 57 lượt giám sát tại các phường(1) và 13 lượt giám sát tại UBND các quận(2) về kết quả triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị; giám sát tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại quận, phường năm 2023 và các chuyên đề giám sát thường xuyên khác. Trong đó, nội dung về xây dựng dự toán, thu chi ngân sách và các hoạt động liên quan về tài chính được quan tâm. Nội dung giám sát này giúp nâng cao năng lực dự toán, đảm bảo ngân sách hoạt động của các cấp chính quyền địa phương của thành phố được minh bạch, công khai, chống thất thoát, lãng phí…
Hoạt động giám sát này cũng góp phần phòng, ngừa tiêu cực, tham nhũng. Điểm mới trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đó là hằng quý tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, phiên giải trình giải quyết đơn thư và chương trình “HĐND với cử tri”. Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND thành phố và vai trò, trách nhiệm của đại biểu không chuyên trách.
Các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố tăng cường hơn nữa hoạt động của mình tại đơn vị bầu cử theo quy định, tăng cường công tác giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến kiến nghị của cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương. Qua đó, góp phần tháo gỡ nhiều vụ việc vướng mắc, chậm giải quyết, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai là lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực.
Cùng với các hoạt động giám sát theo quy định, Thường trực HĐND thành phố giao Ban Pháp chế HĐND thành phố thường xuyên giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNTC, lãng phí của các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND thành phố. Trong quý 1 năm 2023, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-HĐND ngày 3-2-2023 và đã tiến hành giám sát chuyên đề công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn về lĩnh vực tư pháp (Chi cục Thi hành án, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại 7 đơn vị(3).
Bên cạnh đó, ngày 15-12-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về “Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố”, ngày 14-2-2023, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Kế hoạch chi tiết số 01/KH-ĐGS và thành lập 3 Tổ giám sát, dự kiến sẽ tiến hành giám sát trong tháng 4,5,6-2023 và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2023 để xem xét, đánh giá tình hình, thực trạng, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện bảo đảm đúng các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố; quản lý, sử dụng tài sản công là nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố; quản lý, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật trong PCTNTC, lãng phí trên địa bàn thành phố.
Đến việc đề xuất một số giải pháp trọng tâm
Xác định hoạt động giám sát để PCTNTC là nhiệm vụ khó, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa của từng đại biểu, Tổ Đại biểu, các Ban và Thường trực HĐND thành phố. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để tăng cường và hoạt động hiệu quả hơn nữa đối với công tác PCTNTC, thiết nghĩ cần tập trung một số giải pháp trọng tâm cụ thể sau:
Một là, từng đại biểu, Tổ đại biểu, các Ban và Thường trực HĐND thành phố thực hiện nghiêm túc vai trò, nhiệm vụ của mình; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố khóa X về việc ban hành Quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố, Tổ đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Hai là, tăng cường giám sát của HĐND trong lĩnh vực PCTNTC, lãng phí thông qua các hoạt động như: Việc thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách tại các địa phương, hiệu quả về phân bổ, sử dụng ngân sách; công tác bố trí vốn đảm bảo theo tiêu chuẩn, định mức đối với các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách thành phố theo nghị quyết của HĐND thành phố; giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát đơn thư tư pháp, giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chất vấn và theo dõi đến cùng việc trả lời chất vấn của các sở, ngành, đơn vị có liên quan. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chú trọng hơn nữa hoạt động hậu giám sát, tái giám sát trên tất cả các lĩnh vực, nhất là PCTNTC.
Ba là, tăng cường việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo để giải quyết những kiến nghị của cử tri, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, đầu tư, đấu thầu…, kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, duy trì Phiên họp giải trình đơn thư của Thường trực HĐND thành phố để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong xử lý, giải quyết đơn của công dân; qua đó đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý tổ chức, cá nhân liên quan khi có dấu hiệu vi phạm, có các giải pháp phát huy hiệu quả cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bốn là, phát huy cơ chế tham gia vào hoạt động Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC, HĐND thành phố phối hợp các cấp chính quyền của thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNTC.
Năm là, chú trọng công tác thông tin hai chiều lĩnh vực PCTNTC; nắm bắt, tiếp nhận thông tin, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực từ cử tri; phát huy việc thông tin công khai, kịp thời công tác giám sát lĩnh vực PCTNTC trên báo chí và trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố.
LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy,
Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực
[1] Năm 2022: 52 phường, quý 1 năm 2023: 5 phường.
[2] Năm 2022: 9 quận; Quý 1 năm 2023: 4 quận.
[3] Đã giám sát tại: Chi cục Thi hành án quận Hải Châu; Viện Kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà; Tòa án nhân dân các quận, huyện: Hòa Vang, Hải Châu; Công an các quận, huyện: Thanh Khê, Hòa Vang và Công an thành phố.