Kiên quyết, kiên trì trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Võ Công Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) nhấn mạnh, sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án TNTC; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn thành phố, xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân.

Ông Võ Công Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Võ Công Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

* Đà Nẵng là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã bắt tay vào những công việc gì, thưa ông?

- Xác định tầm quan trọng của công tác PCTNTC, ngay sau khi Trung ương chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm trưởng ban, cơ cấu bảo đảm đúng số lượng, thành phần theo quy định của Ban Bí thư.

Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc, triển khai chương trình công tác và chủ động ban hành quy định về công tác kiểm tra, giám sát, thành lập tổ giúp việc; đồng thời phân công nhiệm vụ các thành viên phụ trách các lĩnh vực, theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTNTC tại các tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy và các cơ quan, đơn vị...

Đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy tổ chức 9 cuộc họp định kỳ hằng tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức 4 phiên họp định kỳ hằng quý. Qua các phiên họp, cuộc họp, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, cho ý kiến và chỉ đạo phân công nhiệm vụ các thành viên, xây dựng chương trình công tác năm, các quy định, quy trình công tác; công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản mới về PCTNTC; chỉ đạo về việc chọn, đưa các vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc, công tác xử lý đơn thư; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát; cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung phát sinh giữa hai phiên họp của Ban Chỉ đạo, nhất là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các vụ án, vụ việc, như vướng mắc trong định giá tài sản, công tác giám định, xác định thiệt hại; tình hình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; chủ trương xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…

* Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật sau 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo?

- Ban Chỉ đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương và các kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương, tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ; tham mưu tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lần đầu tiên giới thiệu về văn hóa liêm chính cho 4.000 cán bộ chủ chốt các cấp; chỉ đạo tuyên truyền bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012 - 2022; phát sóng phóng sự tài liệu “Nhìn lại chặng đường 10 năm đấu tranh PCTNTC”; là đơn vị đầu tiên trong cả nước xuất bản tài liệu các văn bản của Trung ương và thành phố Đà Nẵng về công tác PCTNTC, tài liệu “Hỏi - đáp về PCTNTC” song song với triển khai 10 lớp tập huấn cho 1.290 cán bộ, công chức, viên chức gắn với thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình của thành phố.

Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về TNTC. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố tập trung chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện, hoàn thành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các kết luận của Thanh tra Chính phủ và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Các cấp ủy Đảng thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 280 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 2 tổ chức Đảng, 32 đảng viên (có 8 cấp ủy viên các cấp).

Ban Chỉ đạo đưa 11 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tiến độ xử lý từng vụ; cho ý kiến xử lý một số vụ án, vụ việc chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giám định, định giá; qua đó, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo về công tác giám định, định giá tài sản; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố. Nhờ vậy, hội đồng đã đẩy nhanh hơn việc thẩm định, định giá để phục vụ việc điều tra một số vụ án phức tạp.

Đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố đưa ra xét xử 4 vụ, 13 bị cáo, thu hồi 19 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hơn 3,1 tỷ đồng và hơn 3.100m2 đất. Sau khi xét xử, Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo rút kinh nghiệm từng vụ án để nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Ban Chỉ đạo kiên quyết, không nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, có quan điểm rõ ràng, thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài các vụ án, vụ việc trực tiếp theo dõi, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Tham gia xây dựng các đề án, chuyên đề quan trọng như Đề án “Cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; Chuyên đề “Thực trạng kiểm soát quyền lực để PCTNTC của Thành ủy và HĐND các cấp”; Chuyên đề “Kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công,... và kiến nghị với các cơ quan Trung ương”; Chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của thành phố”…

Trên lĩnh vực xử lý đơn thư, từ ngày 1-6-2022 đến ngày 30-5-2023, Thường trực Thành ủy chuyển đến Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý 51 đơn thư; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhận trực tiếp 41 đơn. Các đơn nêu trên được Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

* Các giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo triển khai trong thời gian tới là gì?

- Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTNTC. Công tác tuyên tuyền, giáo dục về PCTNTC được tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi TNTC của từng cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các hành vi TNTC qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục chỉ đạo việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, thi hành các bản án có liên quan. Chỉ đạo các cấp ủy, các ngành, địa phương có các giải pháp khắc phục, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; ngăn chặn, từng bước khắc phục tệ nạn “tham nhũng vặt”; chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chỉ đạo tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực công tác giám sát của các cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC... Ban Chỉ đạo chú trọng chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi TNTC theo đúng nguyên tắc “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó”; trong quá trình xử lý phải bảo đảm thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm, tội phạm gây ra.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.