Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn giữ thói quen chọn tường vách là nơi cố định khung treo dàn nóng các thiết bị làm mát, điều hòa không khí. Sau khoảng thời gian chống chịu với thời tiết, mưa bão, nhiều khung, ốc vít có dấu hiệu gỉ sét, không bảo đảm việc chống đỡ trọng lượng của dàn nóng, gây nguy cơ mất an toàn ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con người.
Nhiều dàn nóng được lắp đặt, cố định sơ sài đang gây mất mỹ quan đô thị, nguy hiểm tới an toàn sức khỏe, tính mạng người dân. Ảnh: C.T |
Qua ghi nhận tại các chung cư hoặc tòa nhà cao tầng, nhà mặt đất, dàn nóng điều hòa được sắp đặt ở vị trí phơi nắng, mưa diễn ra phổ biến. Hầu hết những căn nhà cao tầng đều lắp đặt dàn nóng điều hòa bên ngoài với mật độ cao, mỗi hộ đều có hơn 1 bộ đế kim loại được hàn đơn sơ để cố định thiết bị nặng hàng chục ki-lô-gam ở ngoài trời. Sau một thời gian, các đế kim loại phục vụ dàn nóng cố định sẽ gặp vấn đề gỉ sét, không đỡ được thiết bị, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, đặc biệt trong những đợt mưa, bão. Điều này vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa tạo nên hiểm họa khôn lường đe dọa tới an toàn sức khỏe. Tại một số địa điểm du lịch tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà cao tầng, dàn nóng được hướng về phía mặt đường ngoài trời, vào khung giờ cao điểm mức nhiệt tăng cao tạo ra cái nóng hầm hập. Chị Hoàng Thị Lan (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Thời điểm từ 10 giờ cho tới 15 giờ những ngày hè tôi rất ngại đi ra đường vì ngoài sự oi bức từ mặt trời, nền đường thì hơi nóng của các cục nóng điều hòa không khí tỏa ra rất khó chịu cho mọi người. Tôi nghĩ việc lắp đặt dàn nóng ở vị trí nào cũng cần được giám sát, kiểm tra vì đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến cộng đồng”.
Tìm hiểu cho thấy vì nhiều yếu tố về kỹ thuật, tiện lợi hoặc muốn tiết kiệm không gian nên nhiều người chấp nhận lắp cục nóng điều hòa ở ngoài trời mà không có mái che nắng, mưa. Với điều kiện thời tiết nóng, ẩm trong một thời gian dài các đường ống sẽ xảy ra hiện tượng rò rỉ nước, nguy cơ chập điện, cháy nổ rất lớn. Đặc biệt vào mùa nắng nóng, nhiều hộ gia đình, kinh doanh có thói quen bật điều hòa không khí liên tục cả ngày, đêm nên dễ xảy ra tình trạng chập điện, cháy, nổ. Ông Nguyễn Lê Tuấn Tường, Trưởng Trung tâm siêu thị MediaMart (Chi nhánh Công ty CP MediaMart Việt Nam tại Đà Nẵng) cho hay, khách hàng thường yêu cầu nhân viên kỹ thuật lắp dàn nóng ở vị trí tường trống của các tầng cao nhất và phải cách xa cửa sổ để nhiệt lượng tỏa ra nhưng lại bị ánh sáng mặt trời và mưa tác động trực tiếp. Đây là một phần nguyên nhân gây ra những rủi ro về cháy nổ, rơi vỡ gây nguy hiểm cho chính “gia chủ” lẫn người dân sống, sinh hoạt xung quanh khu vực. Các bộ đế đỡ dàn nóng đều được sử dụng hợp kim hoặc inox để chống bị mài mòn bởi thời tiết nhưng với khí hậu khắc nghiệt như miền Trung thì chỉ sau từ 5-10 năm thì những bộ đế đều có khả năng hư hỏng. Vì thế, người dân không thể chủ quan, cần kiểm tra phát hiện chân đế có dấu hiệu gỉ, sét cần phải xử lý kịp thời trước khi có sự cố.
Theo ông Huỳnh Thế Thích, Phó Giám đốc Siêu thị điện máy Viettronimex (Công ty CP Điện tử và tin học Đà Nẵng), khách hàng nên bật và sử dụng hợp lý trong khoảng từ 4-8 tiếng rồi tắt để thiết bị tối thiểu 30 phút vì nếu bắt ép điều hòa hoạt động hết công suất trong thời gian dài có thể khiến dàn nóng gặp phải hiện tượng quá tải, quá nhiệt và có thể dẫn đến cháy nổ, hỏng hóc. Khi lắp đặt dàn nóng nên chọn các vị trí có gió thổi trực tiếp vào gây ảnh hưởng tới sức cản, khả năng hoạt động của quạt. Khoảng cách dàn nóng với tường tối thiểu là 10cm, nếu có vật cản đối diện phải bảo đảm cách xa hơn 60cm. Đặc biệt, nhiều người chọn vị trí lắp đặt dàn nóng ngay trên mái tôn, gần các trạm biến áp, cao áp, đường dây điện, điều này sẽ tạo nên sự bào mòn mạnh cho thiết bị, dễ gây nguy cơ rò rỉ gas, sự cố phát nổ. Dàn nóng điều hòa cần được bảo dưỡng định kỳ, với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 năm/lần, đối với nơi nhiều bụi thì phải bảo dưỡng 2-3 lần/năm.
Th.s Lê Phượng Quyên, Trưởng Bộ môn điện, Trường Đại học Duy Tân khuyến cáo, trong thiết kế cấu trúc xây dựng, vị trí dàn nóng thường không được đặt phía mặt đường, khu vực công cộng, phía dưới có nhà để tránh gây nguy hiểm cho người dân. Việc lắp đặt bất hợp lý vì trong thiết kế cấu trúc nhà không có khu vực riêng để đặt dàn nóng điều hòa và nhiều nhân viên kỹ thuật không có đủ chuyên môn để tính toán hợp lý không gian, mỹ quan, mức độ ảnh hưởng, độ an toàn gây ra tác động xấu tới mọi người. Nên lắp đặt dàn nóng điều hòa ở khu vực có mái che chắn, không bị các tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng trong quá trình hoạt động. Khi lắp đặt dàn nóng, cần tránh khu vực gần cửa sổ, cửa kim loại hay nơi không bằng phẳng, rung lắc khi vận hành để hạn chế nguy cơ, rủi ro rơi, vỡ. Tuyệt đối không nên đặt dàn nóng quá thấp hoặc quá cao so với thiết bị điều hòa, biên độ chênh lệch thích hợp từ 3-7 mét. Các hộ gia đình khi thiết kế nhà ở nên có riêng khu vực để điều hòa thuận lợi cho việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, tránh những rủi ro không đáng có.
CHIẾN THẮNG