Tâm tình người chiến sĩ lái xe

.

“Xe ta bon nhanh trên dặm đường... xe ta bon nhanh ra chiến trường... “, lời bài hát mang âm hưởng hào hùng năm xưa đã từng vang lên trên những nẻo đường ra trận, như hiệu lệnh có sức mạnh thôi thúc hàng nghìn chiến sĩ lái xe Trường Sơn băng qua mưa bom bão đạn để đưa những chuyến hàng an toàn vào tiền tuyến miền Nam. Dù đất nước đã hòa bình, nhưng lời bài hát ấy vẫn nằm lòng đối với những lái xe mặc áo lính.

Các lái xe quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng xe để tham gia hội thi xe tốt, lái xe giỏi hằng năm. Ảnh: H.H
Các lái xe quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng xe để tham gia hội thi xe tốt, lái xe giỏi hằng năm. Ảnh: H.H

Cầm vô lăng giữa thời bình, nhiệm vụ của những chiến sĩ lái xe hôm nay tuy đơn giản hơn nhiều song với giai đoạn chiến tranh nhưng vẫn mang nặng nỗi vất vả, gian nan không dễ gì trải lòng được. Có thể nói công việc của những lái xe quân sự gắn liền với sự đột xuất, không có giờ giấc nhất định. Ngày cũng như đêm, ngày nghỉ cũng như ngày thường, người lái xe luôn ở trong tư thế xuất phát, có lệnh là đi, nhận nhiệm vụ là lên đường. Đã là lái xe thì bao giờ cũng phải đến trước, về sau. Đến trước cả tiếng đồng hồ để sửa soạn, thử máy xe, sẵn sàng chờ lúc lên đường. Khi đến nơi, mọi người đã nghỉ ngơi thì lái xe vẫn còn hì hụi lau chùi, bơm dầu mỡ, thêm nước để tiếp tục cuộc hành trình.

Thiếu tá Phạm Viết Lập, lái xe thuộc Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chia sẻ: “Lái xe mặc áo lính như chúng tôi dù có gia đình rồi mà vẫn cứ như sống độc thân, hành trang, áo quần luôn để sẵn trên xe để bất cứ lúc nào cũng có thể lên đường làm nhiệm vụ. Việc nhà binh cấp bách nên có khi phải chạy xuyên đêm. Những ngày hành quân, diễn tập, những chuyến công tác có khi kéo dài cả tháng trời, dù để lại gánh nặng gia đình, con cái cho vợ gánh vác, nhưng chúng tôi đều xác định luôn vững vàng tư tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nghề lái xe là nghề vất vả, nghề lái xe của những người mặc áo lính lại càng vất vả, gian khổ hơn nhiều. Đã là lái xe biển số đỏ thì không phải chỉ có những chuyến đi vi vu thông suốt trên những con đường quốc lộ, tỉnh lộ bằng phẳng êm ái. Do yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, họ phải thường xuyên đảm nhiệm những chuyến công tác vượt núi xuyên rừng đến các vùng sâu, vùng xa, các xã miền núi, biên giới cách trở xa xôi, nơi ấy có khi chưa hề có đường đi. Mùa nắng bụi tung mờ mịt, mùa mưa thì lầy bùn, đường núi cheo leo, đèo cao suối sâu, ổ voi, ổ gà lắc lư như đưa võng, vì thế chuyện hư hỏng đối với những “cựu chiến binh U oát, Gát 66, Zin…” già cỗi lâu năm xảy ra là chuyện thường. Gặp lúc xe hỏng bất ngờ giữa đoạn đường vắng hay đêm tối, đích thân bác tài lăn xuống gầm xe mà sửa.

Thiếu tá Thái Bá Tường, Tiểu đội trưởng Đội xe tải thuộc Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã có lần bị hỏng xe tận xã miền núi xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) khi đưa đoàn cán bộ về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng. Giữa vùng đồi núi heo hút vắng nhà dân, không có cách nào khác, anh phải đón 2 vòng xe ôm vượt chặng đường hơn 70 cây số về Đà Nẵng mua phụ tùng lên thay thế. Có khi gặp trời mưa lụt, xe xuống hố sâu, lái xe phải huy động cả đoàn cùng nhau xuống đẩy, khi xe lên khỏi hố thì cả người ướt đẫm mồ hôi, lấm lem bùn đất. Gian khổ nhất là những ngày bão lụt, lái xe quân đội là những người tiên phong băng vào mưa gió mù trời chở các đoàn cán bộ, chiến sĩ đến những vùng rốn lũ để cứu trợ, giúp đỡ nhân dân. Nhiều đoạn xe ngập chìm trong nước có thể chết máy bất cứ lúc nào nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ, dù biết là hiểm nguy luôn cận kề.

Nghề lái xe là một trong những nghề nguy hiểm, cầm lấy vô lăng là xác định chịu trách nhiệm về tính mạng của nhiều người cũng như tài sản của Nhà nước, của quân đội. Đặc biệt đối với những người lính thì tinh thần trách nhiệm lại càng phải đề cao, vì thế giữ gìn xe tốt, lái xe bảo đảm an toàn luôn là mục tiêu cao nhất. Mỗi người phải tự rèn luyện cho mình thần kinh “thép” để xử lý mọi tình huống bất trắc xảy ra trên đường. Hàng trăm điều của Luật An toàn giao thông dù đã thuộc nằm lòng vẫn cứ thường xuyên học lại. Với họ, khẩu hiệu “yêu xe như con, quý xăng như máu“ đã trở thành truyền thống thấm sâu vào máu thịt. Mỗi khi rời vô lăng, những chiến sĩ lái xe luôn tay lau chùi xe, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hỏng hóc bất thường. Không chỉ tích cực học hỏi nâng cao tay nghề mà họ còn không ngừng tích lũy những kinh nghiệm quý báu của đồng đội để bảo quản xe tốt, mới, bền, đẹp, để các “chiến binh” luôn sẵn sàng trong tư thế có lệnh là lên đường, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của quân đội.

CÁT TƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.