Thay đổi đột ngột môi trường nước có thể gây ra hiện tượng cá chết tại kênh Đa Cô và hồ Liên Chiểu

.

Liên quan đến việc cá chết trên kênh Đa Cô và hồ Liên Chiểu, ngày 15-9, ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, trong hai ngày 13 và 14-9, lực lượng công nhân vớt gần 12,5 tấn cá chết tại kênh Đa Cô, hồ Liên Chiểu, kênh B18 (thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Ngày 15-9, số lượng cá chết tại khu vực trên đã giảm, công nhân tiếp tục vớt xác cá chết, đồng thời sử dụng khoáng hóa hòa với nước sạch tạt đều bề mặt hồ Liên Chiểu, kênh B18 đến khi không còn phát sinh mùi hôi và không còn cá chết. Đồng thời, công ty phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước toàn chuỗi kênh, hồ để kịp điều chỉnh tần suất, khối lượng hóa chất, chế phẩm sử dụng phù hợp với tình hình thực tế.

Theo báo cáo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, dọc tuyến mương Đa Cô đến kênh B18 đã có hệ thống thu gom nước thải, khi không có mưa nước thải được thu gom hoàn toàn và chất lượng nước chuỗi kênh hồ Liên Chiểu cơ bản ổn định do được kiểm soát định kỳ bằng chế phẩm sinh học. Đoạn từ bãi rác Khánh Sơn đến đường Hoàng Văn Thái chưa có hệ thống thu gom, nên nước thải của khu vực được xả thải vào tuyến mương Đà Sơn, sau đó chảy xuống kênh Đa Cô - hồ Hòa Phú - kênh B18 ra sông Phú Lộc. Tối 10-9, trên địa bàn quận Liên Chiểu có trận mưa lớn, tất cả các nguồn nước thải hòa với nước mưa vượt ngưỡng tràn đổ ra kênh Đa Cô - hồ Liên Chiểu - kênh B18 đã làm thay đổi môi trường nước hạ lưu chuỗi kênh hồ Liên Chiểu.

Mặt khác, hồ Liên Chiểu có chức năng điều tiết nước khi có mưa. Vì vậy sau mưa, lượng nước thải và nước mưa kèm theo bùn đất trong hồ làm tăng tải lượng ô nhiễm tức thời của hồ, dẫn đến thay đổi đột ngột môi trường nước hồ có thể gây ra hiện tượng cá chết. Ngoài ra, trong chuỗi kênh Đa Cô - hồ Liên Chiểu có mật độ cá tập trung lớn, chủ yếu là cá rô phi, kết hợp với thời tiết nắng sau mưa làm thay đổi môi trường, dẫn đến thiếu hụt nồng độ oxy hòa tan trong nước ở một số thời điểm, dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt tại hồ.

Để giảm số lượng cá chết phát sinh nhiều, Công ty đề xuất UBND quận Liên Chiểu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho tỉa thưa đàn cá tại chuỗi kênh, hồ trên địa bàn quận để giảm mật độ đàn cá; đồng thời xem xét có giải pháp nhằm theo dõi các nguồn thải chưa được thu gom, kịp thời phát hiện những bất thường để có biện pháp ứng phó, hạn chế sự cố rủi ro đến môi trường.

Ngày 15-9, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo số 588/BC-STNMT gửi UBND thành phố thông tin nhanh về cá chết tại hồ Liên Chiểu. Sở đã phối hợp cùng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng kiểm tra thực tế tại khu vực trên, đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu, phân tích đánh giá chất lượng nước trong hồ. Kết quả đo nhanh thông số DO (oxy hòa tan) tại hồ Liên Chiểu ở độ sâu 0,5 mét lúc 20 giờ ngày 13-9 và 13 giờ 30 ngày 14-9 lần lượt là 0,6mg/l và 1,18mg/l. Qua đó cho thấy làm lượng oxy không đáp ứng giới hạn cho phép tại mức C (DO≥4mg/l), QCVN 08-MT:2023/BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.