Khắc phục tình trạng thiếu hụt 'tạm thời' đất, đá xây dựng

.

Do nhu cầu của một số dự án trọng điểm, thành phố đang xem xét cấp phép mới, gia hạn, nâng công suất khai thác của các mỏ đất, đá cũng như một số giải pháp bảo đảm cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho các công trình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Thành phố đang tháo gỡ, khắc phục tình trạng thiếu hụt “tạm thời” vật liệu xây dựng cho các công trình. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố đang tháo gỡ, khắc phục tình trạng thiếu hụt “tạm thời” vật liệu xây dựng cho các công trình. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn

Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng Lê Thành Hưng, nhu cầu đá xây dựng phục vụ thi công dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) là rất lớn với tổng trữ lượng 2,379 triệu m3, trong đó, năm 2023 cần 1,189 triệu m3, năm 2024 cần 713.812m3 và năm 2025 cần 475.875m3. UBND thành phố đã quan tâm, tháo gỡ kịp thời để bảo đảm nguồn đá phục vụ thi công dự án.

“Chúng tôi đã chủ động mời các chủ mỏ đá để bàn về việc cung cấp đá cho dự án. Từng chủ mỏ cũng cam kết là nếu được thành phố gia hạn thời gian khai thác, thì trữ lượng được khai thác tăng thêm đó sẽ chỉ cung cấp đất, đá phục vụ thi công cho dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) và các dự án trọng điểm khác của thành phố”, ông Lê Thành Hưng nói.

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) cần 67.400m3 đất san lấp; dự án Đường ven biển nối Bến cảng Liên Chiểu cần 242.982m3 đất san lấp và 204.192m3 đá xây dựng; dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường ĐH 2 mở rộng cần 269.086m3 đất; dự án Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3) cần 60.000m3 đất...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, từ nay đến năm 2025, đơn vị cần đến 129.140m3 đất san lấp và 77.868m3 đá xây dựng phục vụ thi công 3 công trình trọng điểm gồm: Cầu và đường dẫn đầu cầu Quảng Đà; tiểu dự án 1 - Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò; Nâng cấp và mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2).

Ban Quản lý  dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cần 687.497m3 đất, 56.677m3 đá để thi công 4 công trình trọng điểm, gồm: Khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), Tuyến đường vành đai phía tây; Khu tái định cư Hòa Khương 2; Tuyến kênh thoát nước từ Khu tái định cư Hòa Nhơn đến sông Túy Loan. Nhưng lại dư thừa hơn 500.000m3 đất bóc tách từ việc tạo mặt bằng thi công dự án Tuyến đường vành đai phía tây đoạn qua Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy thông tin, hiện đơn vị đang trình hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác đất trong dự án Tuyến đường vành đai phía tây đoạn qua Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). UBND thành phố cũng đã “chốt” phương án điều chuyển khối lượng đất thừa trong dự án khoảng 250.000m3 để san lấp phục vụ thi công công trình Khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2) và 250.000m3 đất san lấp, phục vụ thi công công trình Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng (giai đoạn 2).

Còn đối với công trình Khu tái định cư Hòa Khương 2 (cần khoảng 225.733m3 đất san lấp), thành phố có chủ trương điều phối đất dư thừa từ dự án Khu Dịch vụ logistics ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), nhưng dự án này chưa triển khai nên đơn vị cũng đang chờ đợi. “Để bảo đảm khối lượng vật liệu phục vụ thi công các dự án thì một phần sẽ được khai thác, điều phối về từ dự án khác, một phần sẽ được mua từ các mỏ khai thác khoáng sản”, ông Nguyễn Minh Huy nói.

Cấp phép, nâng trữ lượng khai thác tại các mỏ

Mới đây, tại Công văn số 5577/UBND-ĐTĐT ngày 12-10, UBND thành phố cho rằng, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường và số liệu của các ban quản lý dự án cung cấp, trữ lượng khai thác đất san lấp, đá xây dựng của các mỏ khoáng sản hiện nay trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng của các công trình trong giai đoạn 2023-2025.

Tuy nhiên, do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao của một số dự án, đặc biệt là dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung), gây nên tình trạng thiếu hụt “tạm thời” vật liệu xây dựng. Việc xem xét cấp phép mới, gia hạn, nâng công suất... khai thác của các mỏ và một số giải pháp bảo đảm cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho các công trình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả... là cần thiết.

Nhưng cần phải tính toán, cân nhắc kỹ các giải pháp (trong đó hạn chế việc cấp phép mới) để không xảy ra tình trạng thừa vật liệu xây dựng khi cung cấp đủ nhu cầu của các dự án. UBND thành phố thống nhất theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép các mỏ khai thác khoáng sản còn trữ lượng được nâng công suất khai thác theo đúng quy định hiện hành để bảo đảm nhu cầu hiện nay của thành phố, nhưng việc nâng công suất này không làm thay đổi trữ lượng theo giấy phép đã cấp và chỉ thực hiện tạm thời trong giai đoạn 2023-2025.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trước mắt, sở đề nghị UBND thành phố cấp giấy phép khai thác đá xây dựng cho 3 công ty với tổng công suất khai thác 360.000m3/năm. Sở cũng trình UBND thành phố cấp phép khai thác đất tại mỏ đất mà một công ty đã trúng đấu giá và mỏ đất của hai công ty khác.

Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án nếu trong hồ sơ thiết kế có phát sinh khối lượng đất, đá dư thừa và đề xuất công trình cụ thể được sử dụng trữ lượng đất, đá này.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố gia hạn giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác tại một số mỏ đá và đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ đá, 6 mỏ đất.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.