Sớm điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt

.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng hiện đang thực hiện 6 gói thầu thuê dịch vụ vệ sinh công cộng giai đoạn 2022-2024 tại địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Giá trị các gói thầu thấp hơn các gói thầu giai đoạn 2019-2021. Trong gói thầu, chỉ có chi phí vệ sinh đô thị gồm: quét đường, thu gom rác trên các tuyến đường, vỉa hè theo yêu cầu của các địa phương, mà không có kinh phí cấp bù chi phí vận chuyển rác sinh hoạt từ các hộ gia đình, tổ chức trên địa bàn đến địa điểm xử lý rác. Công ty trúng thầu tự cân đối chi phí thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên cơ sở thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt từ các hộ gia đình, tổ chức (phí dịch vụ vệ sinh môi trường) với đơn giá được UBND thành phố Đà Nẵng quy định tại Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 18-11-2017.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư phương tiện cơ giới hiện đại để nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư phương tiện cơ giới hiện đại để nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng Võ Thị Huỳnh Trang cho biết, mức thu tiền phí vệ sinh môi trường được áp dụng theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND từ ngày 1-1-2018 đến nay là gần 6 năm, nhưng chưa được điều chỉnh tăng giá, trong khi các yếu tố hình thành giá như mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng 3 lần, riêng năm 2023, tiền lương đã được điều chỉnh tăng hơn 20%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng qua các năm, giá xăng, dầu cũng tăng cao... Việc chậm tăng tiền rác dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn gặp khó khăn từ năm 2018 đến nay. Số tiền rác thu được hằng năm không đủ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, công ty phải bù lỗ từ nguồn khác. Người lao động chưa được tăng tiền lương từ năm 2019 đến nay, đã ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của công nhân.

Năm 2021, các sở, ban, ngành của thành phố đã thẩm tra hồ sơ đề xuất điều chỉnh phí dịch vụ vệ sinh môi trường, nhưng do tác động của Covid-19 nên UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1806/UBND-STC ngày 31-3-2021 tạm hoãn điều chỉnh để bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2022, các sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục trình hồ sơ đề nghị UBND thành phố phê duyệt định mức phí dịch vụ vệ sinh môi trường.

Tại Thông báo số 133/TB-VP ngày 30-3-2023 của Văn phòng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất điều chỉnh tiền rác cho phù hợp với tình hình thực tế. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo UBND thành phố xem xét, xử lý trong tháng 4-2023. Nhưng đến nay, hồ sơ đề xuất tăng phí dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn đang được Sở Tài chính thẩm tra.

Cũng theo bà Võ Thị Huỳnh Trang, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện, thông qua việc thực hiện lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư là UBND quận, huyện, nhưng không có trong giá trị gói thầu, mà đơn vị trúng thầu tự cân đối từ nguồn thu tiền rác để bù đắp cho công tác này.

Trên thực tế, yêu cầu của các chủ đầu tư đối với hoạt động này rất cao, yêu cầu đơn vị trúng thầu phải có phương tiện mới, tổng trọng tải của phương tiện cơ giới gấp hơn 1,5 lần khối lượng rác phát sinh, chưa kể phải thay đổi phương thức thu gom rác từ thủ công sang cơ giới (xe ép rác nhỏ) làm phát sinh thêm chi phí... Do vậy, việc tăng phí dịch vụ vệ sinh môi trường sẽ giúp giảm một phần số tiền mà công ty bù lỗ cho hoạt động này và giúp tăng thu nhập cho người lao động theo lộ trình tăng lương của Chính phủ cũng như bảo đảm các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh mà UBND thành phố đã giao và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.