Thu gom rác các bãi biển, bờ sông

.

Sau nhiều cơn mưa lớn vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, lượng rác trôi dạt tấp vào ven bờ sông Hàn và các bãi biển ngày càng nhiều. Ngay sau khi phát hiện rác tấp vào bờ sông và các bãi biển, Xí nghiệp Môi trường sông biển (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) đã huy động một lượng lớn công nhân thu gom nhặt rác. Tuy nhiên, lượng rác vẫn liên tục tấp vào bờ khiến công này gặp nhiều khó khăn...

Công nhân Xí nghiệp Môi trường sông biển thu gom rác trong đợt mưa cuối tháng 9-2023 vừa qua. Ảnh: THÀNH LÂN
Công nhân Xí nghiệp Môi trường sông biển thu gom rác trong đợt mưa cuối tháng 9-2023 vừa qua. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Môi trường sông biển cho biết, trong hơn một tuần qua, khối lượng rác thải trôi vào các bãi biển và sông rất nhiều. Xí nghiệp đã huy động mỗi ngày 60 công nhân cũng các phương tiện cơ giới hóa để tiến hành thu gom xử lý kịp thời gần 200 tấn rác. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng bão nên lượng rác vẫn còn trôi vô rất lớn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau mưa lớn trên sông Hàn ven 2 bên bờ, các loại rác thải sinh hoạt, củi khô, bè rau muống, bèo... với số lượng lớn trôi tấp vào bờ, khiến cho dòng chảy chậm lại. Tương tự, ven các sông Cẩm Lệ, sông Yên, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện, sông Túy Loan, sông Phú Lộc... lượng rác thải trôi về cũng không hề ít. Trong khi đó, trên các bãi biển, củi khô, rác thải sinh hoạt, bao nhựa... tấp đầy các bãi cát.

Anh Phạm Tấn Linh, công nhân của Xí nghiệp Môi trường sông biển, nạn rác thải theo sóng biển trôi dạt vào bờ liên tục xuất hiện sau mưa, lũ, các loại rác thải như hộp cơm, ống nhựa, bao ni-lon cũng thường vương vãi khắp nơi. Bên cạnh ấy, rác thải tại chỗ của không ít ngư dân địa phương tạo nên nhếch nhác ở một số bãi biển, Hiện nay, rác trên sông, biển rất nhiều, chủ yếu là rác thải sinh hoạt của người dân. Tuy công nhân đã nỗ lực mỗi ngày để thu gom nhưng do lượng rác lớn, phát sinh liên tục nên không thể xử lý hết được…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, phần lớn rác thải từ biển trôi dạt, tồn đọng tại các bờ biển chủ yếu là rác thải khó phân hủy, như ngư lưới cụ đánh bắt của ngư dân, lưới, phao xốp, bao bì ni-lon, vật dụng cao su, chai nhựa... Do đó, rất khó phân hủy và tồn lưu trong môi trường lâu, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan vùng biển ven bờ. Chính vì vậy, việc tập trung thu gom kịp thời rác thải trôi tấp vào bờ, góp phần bảo đảm cảnh quan du lịch và vệ sinh... 

Được biết, thời gian qua, việc thu gom rác biển, rác thải trên sông đã được các ngành, địa phương quan tâm, tích cực triển khai. Nhiều tổ chức, cá nhân, ban, ngành ra quân dọn dẹp rác thải dọc các bãi biển. Tuy nhiên, việc triển khai của các địa phương còn bị động, chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để, trong khi đó, lực lượng công nhân Xí nghiệp Môi trường sông biển còn ít, khó thể xử lý kịp thời một lượng khổng lồ rác biển, rác trên sông trôi dạt vào bờ sau mỗi đợt mưa lớn như vừa qua.

Do đó, để kịp thời thu gom rác, Xí nghiệp Môi trường sông biển đã đầu tư, cơ giới hóa công tác thu gom rác thải. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Môi trường sông biển, hiện nay xí nghiệp đã đưa trực tiếp 2 xe cơ giới hóa xuống mép biển để trung chuyển rác lên bờ, vì vậy tiến độ nhanh hơn nhiều so với công nhân trung chuyển lên trước đây.

Nếu lượng rác tấp vào bờ là củi khô thì việc thu gom trở nên khó khăn hơn, trong khi các bãi biển Đà Nẵng lại trải dài từ Nam Ô cho đến giáp Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Đối với lượng rác là củi khô có khối lượng lớn, đơn vị sẽ dùng máy cưa để cưa, giúp công nhân dễ vận chuyển lên khu vực có xe thu gom để chở đi...

Tuy nhiên, miền Trung đang bước vào mừa mưa bão, dự báo lượng rác sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Trước tình hình này, Xí nghiệp Môi trường sông biển cũng đã lên phương án ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới.

Cụ thể, xí nghiệp chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, phương tiện xe cơ giới để chủ động trong công tác xử lý, ưu tiên xử lý các bãi tắm chính trước như bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T20, T18, khu vực Công viên Biển Đông… để người dân và du khách có thể tắm biển ngày sau khi có mưa lớn, sau đó sẽ xử lý các bãi còn lại.

Đồng thời, chuẩn bị các chế phẩm để xử lý môi trường sau bão. Đặc biệt, nếu khối lượng quá lớn thì đơn vị sẽ huy động thêm phương tiện xe cơ giới từ Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng để giải quyết lượng rác kịp thời. Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết thêm.

THÀNH LÂN 

;
;
.
.
.
.
.