Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong thời kỳ chuyển đổi số

.

Phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” đang được Hội Khuyến học thành phố triển khai sâu rộng đến các cơ sở hội. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời gắn với quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

Hội Khuyến học phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) tuyên dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập suốt đời trên địa bàn năm 2022. Ảnh: XUÂN ĐÔNG
Hội Khuyến học phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) tuyên dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập suốt đời trên địa bàn năm 2022. Ảnh: XUÂN ĐÔNG

Thời gian qua, Hội Khuyến học quận Sơn Trà đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục của địa phương. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập” gắn với quá trình chuyển đổi số. Trên địa bàn hiện có hơn 28.600 hộ đăng ký mô hình “Gia đình học tập” (chiếm 82,14% hộ gia đình toàn quận”), 15/15 dòng họ đăng ký mô hình “Dòng họ học tập”, 100% tổ dân phố và các đơn vị đăng ký mô hình “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

Chủ tịch Hội Khuyến học quận Sơn Trà Phan Văn Hải cho biết, để phong trào học tập suốt đời phát huy hiệu quả, lan tỏa trong cộng đồng, Hội Khuyến học quận củng cố và phát triển tổ chức hội ở khu dân cư làm nòng cốt phối hợp thúc đẩy việc tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, nâng cao công tác tuyên truyền, động viên người dân, đặc biệt là người lớn tuổi duy trì học tập suốt đời trong thời đại công nghệ số thông qua các thiết bị di động, máy tính, tivi...

Đặc biệt, các cấp hội trên địa bàn chú trọng triển khai phần mềm đánh giá danh hiệu “Công dân học tập” trên nền tảng số. Qua đó, khắc phục những bất cập trước đây khi mỗi cá nhân phải tự kê khai trên bản giấy và cán bộ mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp, trình duyệt, báo cáo để ra quyết định công nhận. Đây là cơ sở quan trọng để đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số.

Hiện nay, các cơ sở hội trong trong quá trình triển khai phong trào gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là việc triển khai phần mềm “Công dân học tập”. Ông Nguyễn Tiến Ca, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cho biết, địa phương đang hướng dẫn cho người dân sử dụng phần mềm đánh giá “Công dân học tập” tại khu dân cư số 6. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những bất cập, nhiều người dân không có máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào phần mềm; trình độ tiếp thu công nghệ thông tin đối với người lớn tuổi còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai phần mềm đánh giá “Công dân học tập”.

Chủ tịch Hội Khuyến học quận Cẩm Lệ Trần Văn Phi cho biết, phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” là chủ trương quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời gắn liền với quá trình quyển đổi số. Tuy nhiên, việc triển khai phong trào trên tại nhiều cơ sở hội còn khó khăn.

Thực tế cho thấy, nhiều Hội Khuyến học cấp phường, xã hiện nay vẫn chưa được trang bị máy tính; nhiều cán bộ khuyến học tuổi cao, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế; chưa có nhiều chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng cho cán bộ hội và người dân... Vì vậy, để phong trào triển khai hiệu quả trong thời gian tới, thành phố cần giải quyết các vấn đề nêu trên; đồng thời, có chế độ đãi ngộ, phụ cấp đối với người làm công tác khuyến học tại các chi hội.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nguyễn Minh Hùng, năm 2023, các cơ hội trên địa thành phố tập trung xây dựng phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập lan tỏa đến từng người dân, gia đình, dòng họ và từng khu dân cư. Đặc biệt, qua thí điểm mô hình “Công dân học tập” đến 210 hộ gia đình, 21 đơn vị đã đạt kết quả khả quan với 57,08% đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

Để thúc đẩy phong trào học tập suốt đời gắn liền với quá trình quyển đổi số, thời gian tới, Thành hội đẩy mạnh tập huấn cho các cơ sở hội và người dân sử dụng phần mềm đánh giá “Công dân học tập”; tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố hỗ trợ kinh phí nhằm trang bị máy tính, máy in, đường truyền internet… cho các cơ sở hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác.

XUÂN ĐÔNG

;
;
.
.
.
.
.