Dạy nghề cho lao động thất nghiệp

.

Xác định việc làm là một trong những trụ cột quan trọng giúp bảo đảm an sinh xã hội, từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thất nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021-2025.

Học viên tham gia lớp dạy nghề làm móng căn bản do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: L.P
Học viên tham gia lớp dạy nghề làm móng căn bản do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: L.P

Chị Trần Thị Thúy Hằng (SN 1981) vốn là công nhân thuộc công ty gạch ốp lát. Sau khi nghỉ việc, chị Hằng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và được trung tâm tư vấn học nghề. Sau khi tìm hiểu, chị Hằng đăng ký lớp kỹ thuật pha chế thức uống để mở quán cà phê. Sau gần 3 tháng học nghề, chị Hằng tự tin mở quán Nến Garden Cafe (số 4 Nguyễn Huy Tưởng) bán. Tương tự, sau thời gian nghỉ sinh con, chị Trần Thị Mỹ Lệ (trú quận Liên Chiểu) tham gia lớp học nấu ăn 3 tháng do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. Hoàn thành khóa học, chị Lệ mở quán bán đồ ăn sáng và có thu nhập ổn định.

Theo Phòng Đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trung tâm duy trì công tác tư vấn, giới thiệu học nghề cho người lao động thất nghiệp đến giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp; giới thiệu tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm định kỳ sau khi tốt nghiệp. Để tạo điều kiện cho học viên, các lớp dạy nghề chủ yếu tổ chức học vào buổi tối, ngày cuối tuần. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Phòng Đào tạo tư vấn học nghề cho gần 4.500 lượt người, với các nghề nấu ăn, pha chế, trang điểm thẩm mỹ, làm móng căn bản, may công nghiệp, điện lạnh, cơ khí. Qua đó, đã mở 31 lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 750 học viên.

Theo ông Thái Đình Thủy, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, thời gian tới, phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh học nghề, chú trọng hơn nữa đến chất lượng đào tạo nghề, giúp người học nắm vững kỹ năng nghề đúng theo mục tiêu đề ra. Song song đó, giáo viên trung tâm cũng chú trọng việc cập nhật, chỉnh sửa, biên soạn và làm mới chương trình đào tạo nhằm đa dạng các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang hướng dẫn các địa phương rà soát số liệu người lao động có nhu cầu học nghề, hộ thuộc diện di dời giải tỏa, sinh viên ra trường chưa có việc làm, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an có nhu cầu học nghề. Kết quả, có 232 người lao động được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 10-10-2016 của UBND thành phố về chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang Lâm Tiến Sĩ cho biết, trên cơ sở nhu cầu học nghề của người lao động, huyện Hòa Vang phối hợp các trường cao đẳng, trung cấp nghề tổ chức lớp dạy cắm hoa cho 30 học viên tại xã Hòa Liên, 2 lớp dạy kỹ thuật pha chế cho 60 học viên tại xã Hòa Châu và xã Hòa Tiến.

Cuối tháng 9-2023, chị Lê Thị Ngọc Điệp (SN 1987, trú xã Hòa Liên) tốt nghiệp lớp dạy cắm hoa sau 2 tháng học nghề. Sau khi tốt nghiệp, với những kiến thức, kỹ thuật cơ bản có được, chị Điệp xin được công việc phụ cắm hoa cho một cửa hàng hoa tươi vào các dịp cao điểm để có thêm thu nhập. Trong khi đó, chị Phạm Thị Thu Hiền (trú xã Hòa Liên) tự tin cắm hoa bán trong các dịp lễ, Tết và khi có đơn đặt hàng. “Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc mở các lớp dạy nghề miễn phí cho người lao động là điều rất thiết thực, giúp người dân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề hoặc làm thêm nghề để cải thiện thu nhập”, chị Hiền chia sẻ.

Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Chính sách - Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, xác định trọng tâm trong việc bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề việc làm, sở yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho đối tượng lao động thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động, đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, sở cũng chú trọng triển khai chính sách đào tạo nghề miễn phí cho lao động thuộc diện gia đình chính sách, người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa,… góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đào tạo nghề cho 752 học viên
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, trung tâm mở 31 lớp nghề, đào tạo cho 752 học viên, gồm: 11 lớp kỹ thuật chế biến món ăn với 274 học viên, 6 lớp trang điểm thẩm mỹ với 122 học viên, 13 lớp kỹ thuật pha chế thức uống với 341 học viên, 1 lớp làm móng căn bản với 15 học viên. Riêng trong tháng 9-2023, trung tâm mở 20 lớp nghề, gồm: 7 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 9 lớp kỹ thuật pha chế nước uống, 4 lớp trang điểm thẩm mỹ. Tổng cộng 420 học viên hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.