Đà Nẵng đang triển khai thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường, bảo tàng dọc trục từ Trung tâm Hành chính thành phố, đường Bạch Đằng, Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Cuộc thi nhằm tìm kiếm, lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, làm cơ sở triển khai thiết kế đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm của thành phố xứng tầm, với tính chất là một quảng trường lịch sử, văn hóa.
Phối cảnh phạm vi quy hoạch, kiến trúc quảng trường trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: PV |
Quảng trường lịch sử, văn hóa
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng và Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng (Sở Xây dựng) đang phối hợp tổ chức thi tuyển quy hoạch, kiến trúc quảng trường trung tâm này kéo dài 75 ngày, nhằm tìm kiếm, lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, làm cơ sở triển khai thiết kế đầu tư, xây dựng quảng trường xứng tầm. Đây là quảng trường với tính chất là quảng trường lịch sử, văn hóa, nơi ghi nhận dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; là địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Quảng trường này là một không gian công cộng lớn, là nơi sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa; tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị và các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách. Quảng trường cũng là một điểm đến năng động về đêm, một không gian công cộng đa năng và đa dạng với sự kết hợp những yếu tố kiến trúc, cảnh quan công trình, cây xanh, mặt nước…
Phạm vi quy hoạch quảng trường trung tâm thành phố có tổng diện tích 16,2ha, chia làm 3 khu vực. Cụ thể, khu A có diện tích 10,69ha, giới hạn bởi các đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, bờ tây sông Hàn. Khu B có diện tích 2,37ha, tại vị trí bến du thuyền (cảng Sông Hàn). Khu C có diện tích 3,16ha, giới hạn bởi các đường Trần Phú, Quang Trung, bờ tây sông Hàn, cầu Sông Hàn (trong đó bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng tại số 42-44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú; Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng). Phạm vi nghiên cứu mở rộng khu vực quy hoạch gồm: toàn bộ đường Bạch Đằng và khu vực bờ sông Hàn từ cầu Sông Hàn đến công viên Hòa Bình (cuối đường Bạch Đằng); các tuyến đường xung quanh khu vực quy hoạch gồm: Trần Phú, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh.
Trong phạm vi quy hoạch có các công trình cao tầng gồm: khách sạn Novotel (cao 37 tầng), Khu công viên phần mềm số 1 (cao 19 tầng), Trung tâm Hành chính thành phố (34 tầng); Khu di tích quốc gia, đặc biệt Thành Điện Hải; cột chỉ đường cổ nhất và duy nhất còn sót lại của đô thị Tourane trước đây tại góc đường Bạch Đằng - Thành Điện Hải; bãi đỗ xe phía nam Trung tâm Hành chính thành phố; công viên phía bắc Thành Điện Hải; công viên phía nam khách sạn Novotel; sân tennis, cửa hàng cà phê Indochina và khu vực sân công cộng (quy hoạch vườn sách theo quy hoạch đã duyệt); nhà hàng và bến du thuyền; khu dân cư hiện hữu theo các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng.
Khu vực đang được thành phố tìm kiếm phương án quy hoạch, kiến trúc quảng trường trung tâm của Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Vừa thi tuyển, vừa lập chủ trương đầu tư
Định hướng quy hoạch, kiến trúc quảng trường trung tâm là tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan khu vực phía đông Thành Điện Hải thành quảng trường công cộng hướng ra sông Hàn. Toàn bộ đường Bạch Đằng trong tương lai được tổ chức thành tuyến phố đi bộ dọc sông Hàn, kéo dài từ chân cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước nhằm tạo thành một trục không gian thống nhất. Khu vực sân tennis hiện trạng và khu vực sân công cộng được xây dựng thành bãi đậu, đỗ xe ngầm và cải tạo bề mặt bãi đỗ xe nổi hiện trạng ở phía nam của Trung tâm Hành chính thành phố. Không gian bề mặt quảng trường được kết nối với không gian mặt nước, bố trí thêm các hạng mục trang trí như: nhạc nước, đèn nghệ thuật.
Đơn vị tham gia thi tuyển đề xuất chuyển đổi công năng phục vụ du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật đương đại đối với khu vực nhà hàng và bến du thuyền hiện trạng; bảo tồn nguyên trạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, khôi phục cổng thành phía nam như nguyên gốc. Đồng thời, đề xuất cải tạo hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho mặt đứng các công trình kiến trúc đồng bộ với quảng trường; cải tạo cảnh quan khu vực bờ sông Hàn tiếp giáp với quảng trường nhưng không xây dựng các cầu cảng làm tác động đến lòng sông ảnh hưởng đến dòng chảy; đề xuất hướng kết nối mở rộng quảng trường...
Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết: “Thông qua thi tuyển, phương án quy hoạch, kiến trúc nào đoạt giải và đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu đề ra sẽ được thành phố lựa chọn và đề xuất thiết kế dự án đầu tư xây dựng Quảng trường trung tâm thành phố”. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng Nguyễn Hữu Nhật cho biết, việc thi tuyển nhằm có phương án thiết kế dự án đầu tư, xây dựng quảng trường trung tâm thành phố sao cho xứng tầm.
Cùng với hoạt động thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc, đơn vị cũng triển khai song song thủ tục và chủ trương đầu tư để tiết kiệm tối đa thời gian nhằm sớm triển khai thi công dự án. “Quảng trường trung tâm thành phố là một công trình trọng điểm, động lực và rất quan trọng đối với thành phố nên được thực hiện rất bài bản, tập trung, tỉ mỉ... Hy vọng, trong cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc lần này, thành phố sẽ có một phương án tốt, đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân và xứng tầm với quảng trường trung tâm của thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyễn Hữu Nhật chia sẻ.
Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi là 950 triệu đồng. Trong đó, 1 giải nhất 450 triệu đồng, 1 giải nhì 200 triệu đồng, 1 giải ba 100 triệu đồng, 1 giải cộng đồng 50 triệu đồng. Hỗ trợ các phương án vào vòng thi tuyển (Top 5 phương án đạt điểm cao lấy từ trên xuống, trừ 3 phương án vào vòng 3): 150 triệu đồng (30 triệu đồng/phương án). |
HOÀNG HIỆP