Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nhiều mô hình về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó áp dụng quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ “3 trong 1” nhanh hơn, hợp lý hơn.
Công chức tư pháp - hộ tịch phường Thạch Thang (quận Hải Châu) hướng dẫn công dân đăng ký và thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với nhóm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ảnh: TRỌNG HUY |
Làm 1 lần nhận 3 kết quả
Theo Sở Nội vụ, 9 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố ban hành danh mục dữ liệu mở thành phố Đà Nẵng, kho kết quả TTHC số kết nối hệ thống giải quyết TTHC và kho dữ liệu số người dân, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp tái sử dụng các cơ sở dữ liệu số, phát triển nền tảng công dân số. Nhiều địa phương triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, từ tháng 7-2023, các địa phương áp dụng các quy trình mới về tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC, triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông gồm, “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”.
Tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), ngay khi có quyết định chỉ đạo từ UBND thành phố, xã đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi 18 trường hợp. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Vương, việc triển khai đến nay cơ bản thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là rút ngắn thời gian, thủ tục, giảm phiền hà.
Tại phường Thạch Thang (quận Hải Châu) có 18 trường hợp làm thủ tục đăng ký khai sinh và 7 trường hợp khai tử. Công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tại bộ phận “Một cửa” Nguyễn Thị Phương Nam nhìn nhận, sau bước đầu còn bỡ ngỡ, đến nay việc triển khai cơ bản thuận tiện cho công dân. Do người dân chưa quen nên bước đầu công chức phụ trách tiếp nhận hồ sơ vẫn phải hướng dẫn cách thức, các bước triển khai để người dân thực hiện.
“Đây là nhóm thủ tục thực hiện dịch vụ công toàn trình (mức 4). Tuy nhiên, để người dân có thể ở nhà tự thao tác, cần thời gian làm quen, thành thục. Hiện nay, hầu hết người dân đến phường để đăng ký, chúng tôi hướng dẫn cho họ cách thực hiện yêu cầu giải quyết TTHC các nhóm thủ tục trên hoàn toàn trực tuyến. Khi người dân quen, đây là một bước chuyển lớn trong công tác cải cách hành chính, giúp thuận lợi cho người dân và cả bộ phận công chức”, bà Nam nói.
Bà Lê Thị Thanh Huệ, công dân phường Thạch Thang, lần đầu đăng ký khai sinh cho con bằng hình thức trực tuyến toàn trình, hơi bỡ ngỡ khi được biết chỉ cần đăng ký khai sinh tại phường lại được trả 3 kết quả mà không phải đi lại các cơ quan liên quan với điều kiện có tài khoản định danh điện tử.
“Thật sự là rất thuận tiện, không phải đi lại nhiều. Do tôi chưa nắm rõ quy trình, cách thức, thao tác đăng ký thủ tục trên cổng dịch vụ công, nên phải đến phường để được hướng dẫn. Nếu sau này phát sinh hồ sơ tương tự, chắc chắn tôi không cần phải đi đâu, mà chỉ cần truy cập internet với tài khoản định danh điện tử của mình là có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với nhóm thủ tục liên thông nói trên”, bà Huệ cho biết.
Tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), từ khi triển khai đã thực hiện 71 hồ sơ (60 hồ sơ đăng ký khai sinh và 11 hồ sơ đăng ký khai tử).
Mạng vẫn chập chờn
Dù nhiều thuận lợi và tiện ích cho công dân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng bước đầu triển khai, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ để nhóm thủ tục liên thông nói trên thực sự “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”. Khảo sát thực tế tại các phường, xã, qua triển khai cho thấy một số bất cập, vướng mắc như khi tra cứu dữ liệu dân cư có một số người dân thường trú tại địa phương nhưng đăng ký khai sinh ở nước ngoài, khi tra dữ liệu không hiển thị được, gây khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ. Khi nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công thì thông tin người nộp hồ sơ được trích xuất từ dữ liệu dân cư, nên thông tin này bị khóa, không cho sửa khi vào nhập thông tin trên phần mềm khai sinh.
Giao diện phần mềm dịch vụ công liên thông khi đăng nhập tài khoản chưa được tối ưu hóa, vẫn sử dụng số chứng minh nhân dân thay vì số căn cước công dân. Đa số người dân đến làm thủ tục hiện nay đều cần sự hướng dẫn của công chức tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ, hướng dẫn, phần chưa quen, phần đa số người dân không có máy scan. Một hạn chế thường thấy ở các địa phương là tình trạng chất lượng đường truyền, mạng truyền dẫn chậm, bị lỗi (phần mềm) dẫn đến hồ sơ tiếp nhận, giải quyết bị chậm, không phản ánh đúng thực chất quy trình giải quyết hồ sơ nên nhiều địa phương bị “oan” về việc xử lý trễ hồ sơ theo quy định.
Qua các khó khăn, vướng mắc, các địa phương kiến nghị, cần có giải pháp cụ thể khắc phục các bất cập trên, nhất là có quy định trích xuất trạng thái hồ sơ để làm rõ tình trạng hồ sơ sớm, đúng và trễ hạn liên quan đến bộ phận nào để đôn đốc, giám sát.
TRỌNG HUY