Ngày 2-11, Ban Đô thị, HĐND thành phố tổ chức hội thảo nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng và đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.
Đường Nguyễn Văn Linh thường xuyên bị ngập. (Ảnh chụp vào đợt mưa lớn ngày 14-10-2023). Ảnh: hoàng hiệp |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số trận mưa cực đoan gây ngập úng đô thị. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan. Việc đánh giá các nguyên nhân, thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, công tác vận hành hồ, đập, ảnh hưởng của các công trình giao thông... đến ngập úng đô thị là bức thiết.
Đặc biệt, cần đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước đô thị đã được đầu tư trong nhiều năm qua với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số và biến đổi khí hậu... Từ đó, đề ra các giải pháp, đầu tư ngắn hạn, lâu dài. HĐND thành phố rất mong muốn lắng nghe các ý kiến đề xuất, hiến kế khách quan, độc lập của các chuyên gia, nhà khoa học để Đảng đoàn HĐND thành phố báo cáo Thành ủy cũng như thông qua hoạt động giám sát, điều hành ngân sách, HĐND thành phố có cân đối nguồn lực hợp lý để đầu tư các công trình thoát nước đô thị nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu gây mưa cực đoan.
Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, trước tác động của đô thị hóa và việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, vành đai cùng các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã làm giảm mực nước lũ tại sông Hàn, Cẩm Lệ và làm thay đổi bản chất ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố khi không còn nguy cơ bị ngập lũ ở khu vực trung tâm.
Đây là cơ hội để thành phố tập trung phân tích, nghiên cứu thêm nguyên nhân cũng như giải pháp chống ngập úng đô thị do mưa cực đoan. Biến đổi khí hậu có xu hướng làm gia tăng các yếu tố bất lợi đối với ngập úng đô thị như lượng mưa, mực nước biển dâng trung bình..., đòi hỏi phải có tính toán đối với hệ thống thoát nước đô thị.
Tuy nhiên, hệ thống thoát nước, hồ điều tiết của thành phố đang quá tải, chưa khớp nối; chưa được quan tâm khơi thông, nạo vét thường xuyên; công nghệ quản lý, duy tu, nạo vét lạc hậu...; hệ thống bơm tiêu nước chưa hiệu quả, chưa bảo đảm năng lực; các kênh và sông Phú Lộc quá tải gây xung đột cho thoát nước.
Thành phố chưa khai thác các lợi thế thoát nước ra sông, ra vịnh... Nhiều cống thoát nước qua đường giao thông, nhất là đường sắt chưa bảo đảm khẩu độ thoát nước. Các hồ điều tiết trong khu vực sân bay Đà Nẵng chưa được nạo vét, điều tiết, vận hành hợp lý. Một số khu vực ngập úng dọc sông Yên, Túy Loan ở huyện Hòa Vang do bố trí cống thoát nước qua các đường giao thông chưa bảo đảm...
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, thành phố bị ngập nước nhiều điểm là do mưa lớn. Với lượng mưa như thế thì không có đô thị nào chịu nổi. Nhưng tình hình ngập nước ở Đà Nẵng không kéo dài, không nghiêm trọng. Khu vực ngã tư đường Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh thường xuyên bị ngập là do 2 hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung quá nhỏ, mà tuyến cống liên phường băng qua đường sắt lại quá thấp và không bảo đảm thoát nước nên cần phải mở rộng cống này.
Bên cạnh đó, thành phố cần sớm làm việc với các đơn vị trong sân bay Đà Nẵng để điều tiết nước từ các hồ trong sân bay; sớm cải tạo cống Đa Cô qua đường Tôn Đức Thắng thành cầu. Thành phố cũng cần quan tâm bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thoát nước, đặc biệt là phải đầu tư công nghệ, trang thiết bị quản lý hiện đại, phương tiện tự hành khơi thông, nạo vét cống ngầm.
TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đề nghị cần giảm tải cho sông Phú Lộc bằng cách mở các cửa xả ra vịnh Đà Nẵng tại những vị trí như đường Phùng Hưng, Hồ Quý Ly, Lý Thái Tông... để làm mực nước sông Phú Lộc giảm, cho nước từ các cống cấp 1, 2 thoát ra sông được, nhất là khu vực Khe Cạn và kênh Đa Cô. Đồng thời, sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông, tránh xây dựng khu đô thị tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Còn ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Long Minh (đơn vị thi công nhiều công trình thoát nước trên địa bàn thành phố) đề nghị, trước khi mưa lớn, cần vận hành hạ thấp mực nước các hồ điều hòa, đặc biệt là vận hành các máy bơm hút cạn nước trong 5 hồ Bàu Tràm, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Phước Lý, Bồ Đề để tăng khả năng trữ, thoát nước cho hệ thống.
Trưởng Ban đô thị, HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến đánh giá cao các ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học. Ban tiếp thu và có báo cáo, đề xuất thành phố các giải pháp thoát nước đô thị trong thời gian trước mắt, trung hạn và cả dài hạn. Thông qua hội thảo, những nguyên nhân ngập úng đã được nhận diện và có hướng giải quyết thoát nước đô thị trong tương lai.
HOÀNG HIỆP