Nông dân chung tay bảo vệ môi trường

.

Các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác thải thông qua nhiều mô hình, hoạt động. Qua đó, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn thành phố.

Hội viên nông dân phường An Khê (quận Thanh Khê) mang rác thải đã phân loại đến UBND phường đổi lấy phân bón và hạt giống. Ảnh: T.H
Hội viên nông dân phường An Khê (quận Thanh Khê) mang rác thải đã phân loại đến UBND phường đổi lấy phân bón và hạt giống. Ảnh: T.H

Phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) có gần 100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản. Trong quá trình hành nghề, một số ngư dân thiếu ý thức vứt nhiều vỏ lon, chai nhựa, rác thải xuống biển gây ô nhiễm. Trước thực trạng trên, đầu năm 2023, Hội Nông dân phường triển khai mô hình “Thu gom rác thải từ đại dương” nhằm vận động ngư dân không vứt rác xuống biển và mang trở lại bờ, đồng thời duy trì vớt rác trên sông Phú Lộc mỗi tháng 1 lần.

Ông Lê Quang Thuận (trú phường Thanh Khê Tây) là một trong những ngư dân trên địa bàn tích cực tham gia mô hình trên. Ông Thuận cho biết: “Sau khi tham gia mô hình, chúng tôi nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng vứt chai nhựa, vỏ lon, ngư cự hư hỏng trên biển. Đặc biệt, rác thải thu gom trên biển và sông được chúng tôi phân loại và bán lấy tiền mua dầu để vận hành các thuyền nhỏ phục vụ việc vớt rác, xác cá trên sông Phú Lộc”.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây cho biết, ngoài triển khai mô hình “Thu gom rác thải từ đại dương”, Hội Nông dân phường duy trì CLB “Nông dân thân thiện với môi trường” từ năm 2019 đến nay với hơn 20 thành viên tham gia. Các thành viên định kỳ mỗi tháng một lần ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các lô đất trống, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, chăm sóc hàng cây bằng lăng tím dọc tuyến đường Yên Khê 1. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường thường xuyên tuyên truyền đối với hội viên trong việc thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định, trồng hoa, cây cảnh tại các tuyến đường, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn.

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên trong việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Những rác thải phế liệu sau khi được phân loại sẽ được hội nông dân các cấp hỗ trợ đổi lấy phân bón và hạt giống. Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Khê (quận Thanh Khê) cho biết, vừa qua, hơn 50 hội viên nông dân sau khi phân loại rác thải nhựa, kim loại, giấy đã mang đến Hội Nông dân phường đổi lấy phân bón và hạt giống các loại rau. Tổng kết chương trình, ban tổ chức mang rác thải đã phân loại bán phế liệu được gần 3 triệu đồng; đồng thời, hơn 90 bao phân hóa học loại 10kg, 5kg và hơn 200 gói giống các loại đã được trao cho người dân. Số tiền thu được từ việc bán phế liệu được sử dụng để duy trì hoạt động trên trong thời gian tới.

Theo ông Đàm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê, chương trình thu đổi rác tái chế, phế liệu, vật liệu lấy phân bón, hạt giống là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án “Xây dựng Thanh Khê - quận môi trường” giai đoạn 2021-2030. Chương trình trên đã triển khai tại 5 phường trên địa bàn, thu hút đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng tham gia.

Bên cạnh đó, với đặc thù đa số hội viên nông dân trên địa bàn là ngư dân, vì vậy, việc tập hợp, tuyên truyền cho đối tượng trên nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường là việc làm rất quan trọng. Vì vậy, Hội Nông dân quận chỉ đạo Hội Nông dân các phường thành lập các “Tổ bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu” nhằm duy trì ra quân dọn vệ sinh các kiệt hẻm, tuyến đường lớn, trên sông, bờ biển. Đây chính là lực lượng quan trọng phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ trong các tình huống thiên tai, bão, lũ trên địa bàn.

Hiện nay, Hội Nông dân thành phố đang đẩy mạnh thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Hội Nông dân thành phố chọn 5 xã thuộc huyện Hòa Vang tham gia dự án gồm: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Liên và Hòa Sơn; tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế cho hội viên nông dân. Từ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng chuyển biến tích cực, góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn, hướng đến xây dựng thành phố môi trường, nông nghiệp đô thị, nông thôn văn minh.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết, các cấp hội trên địa bàn thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đã linh hoạt, sáng tạo triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình bảo vệ môi trường, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Mặc dù vậy, các mô hình bảo vệ môi trường hiện nay vẫn chưa nhiều và chưa gắn kết được đông đảo nông dân hưởng ứng tham gia.

Thời gian tới, Thành Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, tích cực triển khai các công trình công cộng về bảo vệ môi trường, góp phần hướng tới nền nông nghiệp an toàn, kiến tạo môi trường bền vững.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.