Tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời

.

Xác định phong trào “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Hội Khuyến học thành phố tích cực tuyên truyền, triển khai các mục tiêu, giải pháp đến các cấp hội trên địa bàn.

Hội Khuyến học phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) khen thưởng học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, loại giỏi và học sinh đỗ đại học năm học 2022-2023. Ảnh: L.H
Hội Khuyến học phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) khen thưởng học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, loại giỏi và học sinh đỗ đại học năm học 2022-2023. Ảnh: L.H

Lãnh đạo Hội Khuyến học thành phố đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số đối với mỗi cá nhân, gia đình - một trong những yếu tố quyết định đến việc xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp các cấp, ngành, liên kết các lực lượng xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và vận động người dân tự giác học tập, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập lấy người dân là trung tâm, bảo đảm mỗi người thực hiện tốt mô hình công dân học tập. Trong đó chú trọng việc sử dụng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả thực chất, bền vững phù hợp chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ...

Theo ông Nguyễn Cất, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), trong xã hội học tập, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời. Cũng như, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm công dân tốt; có nghề nghiệp, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và học để góp phần phát triển quê hương, đất nước… “Xây dựng xã hội học tập”, nhất thiết phải xây dựng từ gia đình, dòng họ, cộng  đồng, đơn vị... Bởi mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị là tế bào của xã hội.

Do đó, việc triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, đặc biệt là  bộ tiêu chí gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập cụ thể hóa các mục tiêu trong đề án “Xây dựng xã hội học tập” cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Từ thực tiễn hiện nay và theo xu thế phát triển tất yếu của đất nước, việc học tập suốt đời cần phải được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân...

Ông Trần Đình Lăng, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học tộc Trần Đình (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho biết, Chi hội khuyến học tộc Trần Đình tiếp tục củng cố tổ chức hội, phấn đấu mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 hội viên. Đồng thời bổ sung vào quy ước của tộc những quy định về “Xây dựng gia đình và dòng họ học tập” với mục tiêu mỗi con dân trong dòng họ phải có trách nhiệm và bổn phận tự giác rèn luyện, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Mỗi người cùng học để hiểu biết, nâng cao trình độ mọi mặt cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cá nhân và gia đình...

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Phát, Bí thư Chi bộ kiêm Chi hội trưởng Khuyến học Khu dân cư Quang Thành 3A2 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, phong trào xây dựng xã hội học tập qua các mô hình “Công dân học tập”, ‘Gia đình học tập”, “Tổ dân phố học tập”, “Khu dân cư học tập” và học tập suốt đời đã trở thành việc làm thường xuyên. Mỗi người dân tích cực đọc báo, đọc sách, xem ti vi và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để học tập, tìm hiểu kiến thức... 

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của thường trực Hội Khuyến học phường, sự nỗ lực của chi bộ, đoàn thể và nhân dân, công tác khuyến học của khu dân cư Quang Thành 3A2 ngày càng đi vào nền nếp, đạt được một số kết quả nhất định. Cấp ủy chi bộ phối hợp đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ dân phố thường xuyên lồng ghép công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức sâu sắc việc dạy và học; công tác khuyến học, khuyến tài đi đôi với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập…

“Hằng năm, đảng viên đều được giao hoặc bổ sung thêm nhiệm vụ phụ trách các cụm liên gia làm nòng cốt công tác khuyến học, đẩy mạnh phong trào học tập cộng đồng. Từ đó, nhân dân nhận thức rõ, tự giác việc học tập, học tập suốt đời để nâng cao trình độ dân trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần. Vì vậy, đầu năm có 100% hộ gia đình có bản đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình học tập; hằng năm có trên 98% gia đình được công nhận”, ông Phát cho biết.

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nguyễn Minh Hùng cho biết, đã chỉ đạo các cấp hội tích cực phối hợp các cấp, ngành trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trọng tâm là xây dựng các mô hình học tập, cốt lõi là mô hình công dân học tập để thực hiện có hiệu quả các kết luận, chỉ thị của Ban Bí thư và Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Qua đó, tạo bước phát triển mới trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào tự học thành tài trong nhân dân, nhất là trên địa bàn nông thôn, tôn vinh cá nhân tự học thành tài, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia công tác khuyến học ở cơ sở.

Đồng thời tiếp tục vận động thực hiện chương trình máy tính, điện thoại thông minh cho người dân và tổ chức tập huấn để người dân sử dụng thành thạo các phương tiện phục vụ cho học tập từ xa, tìm hiểu kiến thức cần thiết trên mạng và phục vụ thiết thực cho cuộc sống.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.