Ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em

.

Các cấp hội phụ nữ thành phố triển khai nhiều chương trình, hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên và người dân đối với công tác bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hội viên phụ nữ đồng diễn dân vũ kêu gọi cộng đồng chung tay, đồng lòng hành động vì một thành phố bình đẳng, không còn bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em. Ảnh: X.D
Hội viên phụ nữ đồng diễn dân vũ kêu gọi cộng đồng chung tay, đồng lòng hành động vì một thành phố bình đẳng, không còn bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em. Ảnh: X.D

Nhiều mô hình hay

Để công tác bình đẳng giới được đi sâu, đi sát, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã linh hoạt thành lập nhiều địa chỉ tin cậy, mô hình, CLB về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Nổi bật trong số đó có thể kể đến mô hình “Nhà tạm lánh”, được nhiều Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường, xã trên địa bàn triển khai. Hội LHPN phường An Khê (quận Thanh Khê) là một trong các đơn vị tiên phong ra mắt mô hình từ giữa năm 2022. “Nhà tạm lánh” được đặt tại trụ sở UBND phường An Khê, không chỉ cho nạn nhân một nơi trú ẩn an toàn, mà còn là nơi tư vấn về pháp luật, tâm lý, giúp phòng ngừa, can thiệp, hạn chế bạo lực.

Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Khê Nguyễn Cửu Thụy Nha cho biết, “Nhà tạm lánh” là nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực giới. Tại đây, Hội LHPN phường đã chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cơ bản như: giường, chăn, màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu, để kịp thời hỗ trợ cho hội viên gặp các vấn đề về bạo lực gia đình. May mắn là từ khi đi vào hoạt động đến nay, địa phương không xảy ra trường hợp bị bạo lực gia đình và phải đến trú ẩn tại “Nhà tạm lánh”. Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các địa chỉ tin cậy trên địa bàn, số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ, xử lý và giải quyết kịp thời các vụ việc có dấu hiệu bạo lực giới.

Thành lập từ năm 2022, mô hình CLB “Sắc cam - Hãy lên tiếng khi bạn cần” ở các quận Cẩm Lệ, Hải Châu ngày càng mang lại hiệu ứng tích cực, được nhân dân ủng hộ. Với mô hình này, mỗi phường chọn một quán cà phê “Sắc cam” làm địa điểm sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các quán cà phê này trang bị nhiều tờ rơi, sách, báo tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em để khách tới uống nước đọc.

Ngoài phụ nữ, các CLB còn có lượng lớn nam giới tham gia để nâng cao ý thức, huy động sự vào cuộc của tất cả mọi người trong ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ còn có các CLB khác có đông đảo nam giới tham gia như: “Nam giới tiên phong”, “Chia sẻ và yêu thương”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc.”…

Ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ nhiệm CLB “Chia sẻ và yêu thương” phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) chia sẻ: “Sự tham gia của nam giới vào các CLB không chỉ thay đổi nhận thức và hành vi của phái mạnh đối với công tác phòng, chống bạo lực giới, mà còn phát huy vai trò, trở thành chỗ dựa cho hội viên nữ khi đi can thiệp, hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình ở khu dân cư”.

Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp của các sở, ban, ngành, hội đoàn thể. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng được thành phố ban hành để thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ, góp phần rút ngắn khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội; đồng thời tạo môi trường để phụ nữ tự khẳng định bản thân và ngày càng có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển thành phố.

Trong thành quả ấy, các cấp hội phụ nữ có nhiều nỗ lực trong tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới. Trọng tâm là sự kiện “Sắc cam - Thắp sáng và hành động” được tổ chức thường niên với thông điệp “Nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em vì thành phố an toàn”, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực. Hằng năm, Hội LHPN thành phố tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp cho công an, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và hội viên kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em tại khu dân cư.

Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương, ngày càng có nhiều nạn nhân dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Nhờ vậy, một số vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thời gian qua được đưa ra ánh sáng, đòi lại công bằng cho nạn nhân. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra, để lại nhiều hệ lụy phức tạp nếu không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Do đó, các cấp, các ngành và cộng đồng hãy chung tay, đồng lòng hành động vì một thành phố bình đẳng, không còn bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em. Ngày 26-10, Chủ tịch UBND thành phố đã ký thư gửi Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ công nhận Đà Nẵng tham gia chương trình chủ đạo toàn cầu “Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn”.

Mục đích của chương trình này phù hợp mục tiêu xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em của thành phố. “Với nỗ lực của tất cả chúng ta, bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em sẽ không còn là trở ngại trong tiến trình đạt được bình đẳng giới”, bà Hương nói.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.