Dù thời tiết trong mùa mưa năm 2023 chịu ảnh hưởng của trạng thái El Nino, nhưng tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn cao hơn năm 2022 và 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng của trạng thái La Nina). Trước tình trạng lượng mưa tăng cực đoan và mưa kéo dài thời gian hơn do biến đổi khí hậu, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị thành phố có giải pháp thích nghi, đầu tư chống ngập nước cục bộ trong thời gian ngắn phù hợp.
Trạm đo mưa kết hợp cảnh báo ngập nước tự động tại bờ hồ Thạc Gián, quận Thanh Khê. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Lượng mưa lớn
Theo thống kê từ 31 trạm đo mưa trên địa bàn thành phố, tổng lượng mưa từ ngày 1-9 đến 5-12-2023 (23 tháng 10 âm lịch) cao hơn phổ biến từ 30-65% so với khoảng thời gian nói trên của năm 2022 và cao hơn phổ biến từ 30-81% so với năm 2021. Tổng lượng mưa tại các trạm đo khoảng thời gian nói trên trong năm 2022 cao hơn phổ biến 11-31% so với năm 2021... Các đợt mưa lớn trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2023 đã giảm cường độ, thời gian mưa tập trung cũng không còn kéo dài như trước đó.
TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, dòng không khí nóng ẩm gây mưa lớn cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung khi có các đợt không khí tràn về trong suốt mùa mưa vừa qua đang có xu hướng bị đẩy dần xuống gần xích đạo.
Tuy nhiên, đang có dòng không khí lạnh ẩm có trục ngang qua Đài Loan (Trung Quốc) di chuyển từ hướng tây sang đông. Mỗi khi có đợt không khí lạnh tràn về thì dòng không khí lạnh ẩm này bị chuyển hướng di chuyển về miền Trung Việt Nam. Do đó, trong tháng 12-2023 và tháng 1-2024, miền Trung còn mưa từng đợt mỗi khi có khối không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về.
Cũng qua thống kê, tổng lượng mưa từng năm trong 10 năm trở lại đây đều cao gấp 1,5 lần so với tổng lượng mưa năm 1999; tổng lượng mưa tập trung cao nhất trong 1 giờ và 3 giờ cao hơn năm 1999, đặc biệt là năm 2023 cao gấp 3 lần năm 1999. Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến cho rằng, từ năm 2018 đến nay, tổng lượng mưa hằng năm tại Đà Nẵng có xu hướng gia tăng và có sự phân bố không đều giữa các khu vực trên địa bàn thành phố. Cũng từ năm 2018 đến nay, tại thành phố xuất hiện 3 đợt mưa đặc biệt lớn; các đợt mưa có cường độ đặc biệt lớn, thời gian kéo dài (từ 3-5 ngày) có xu thế xuất hiện nhiều hơn.
Cần chọn tần suất hợp lý trong thiết kế các công trình
Theo kết quả nghiên cứu của TS. Tô Thúy Nga và TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tổng lượng mưa trung bình trong 1 ngày rất lớn, lên đến 400-500mm/ngày (năm 2022 là 499,4mm, năm 2023 là 405,2mm) dẫn đến phát sinh trữ lượng nước vượt khả năng đáp ứng của các cống thoát nước.
Thành phố cần nghiên cứu để có cao trình thiết kế san nền cho các khu đô thị trong tương lai phù hợp để giảm thiểu ngập lụt và ngập úng cho công trình và xung quanh. Đặc biệt, thành phố cần xem xét đánh giá, thẩm định, thẩm tra kỹ các công trình giao thông, khu đô thị gây cản trở dòng chảy lũ; cần xem xét đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế trong quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án thoát nước...
TS. Lê Hùng cho biết, theo quy định hiện hành, đối với khu vực trung tâm đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp ở các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 như Đà Nẵng phải chọn chu kỳ lặp lại mực nước ngập tính toán đối với cao độ nền đến tương ứng với 100 năm mới ngập một lần (tần suất 1%). Tuy nhiên, từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua và xu hướng mưa cực đoan, mưa tập trung thời gian ngắn, thì với chu kỳ 20 năm ngập một lần (tần suất 5%), thành phố đã bị ngập nước gần như trên diện rộng.
Mặt khác, nếu đắp nền các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, tuyến đường mới lên cao trình ứng với tần suất 1% thì các khu vực xung quanh thấp hơn sẽ bị ngập. Việc đắp nền cao lên ứng với tần suất 1% thì tốn kinh phí rất lớn, khó khả thi, mà cũng không thể hết ngập nước cục bộ. Vì vậy, thành phố cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sửa quy định chọn tần suất thiết kế 1% nói trên, theo hướng áp dụng tần suất phù hợp với thực tiễn và xu hướng mưa cực đoan nhằm chống ngập nước hiệu quả, có thể áp dụng tần suất từ 5-10% là phù hợp và triển khai thêm các giải pháp khác để chống ngập nước hữu hiệu hơn, tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cũng cho rằng, trước xu hướng mưa cực đoan, mưa tập trung thời gian ngắn, thành phố cần thông tin, tuyên truyền cho người dân có tinh thần, thái độ cũng như sự chủ động thích nghi với các khó khăn, thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp gây ra. Đồng thời, tăng cường thông tin cảnh báo từng vị trí nguy cơ xảy ra ngập để người dân biết; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động khai thác hiệu quả các thông tin về mưa, lũ để triển khai sớm các biện pháp phòng, tránh kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, Sở Xây dựng phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp thoát nước, chống ngập úng bền vững trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm hoàn thành đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của các tuyến chính, mực nước các sông, suối tương ứng với thực trạng quá trình phát triển làm cơ sở phân chia các lưu vực thoát nước hợp lý để điều chỉnh quy hoạch, định hướng thoát nước chung toàn thành phố một cách bền vững; xây dựng bản đồ ngập nước và hệ thống cảnh báo tự động, tiên tiến, kịp thời thông tin đến người dân.
Các cơ quan chuyên ngành phải xem xét, đánh giá thật kỹ các tác động, ảnh hưởng đến dòng chảy, phân bố lũ, thoát nước trong quá trình thẩm định các dự án giao thông, thoát nước; khi triển khai dự án san lấp các vùng trũng phải có giải pháp hoàn trả các hồ điều tiết tương ứng nhằm bảo đảm khả năng điều tiết nước ban đầu. Các khu vực sắp phát triển đô thị tại huyện Hòa Vang cần phải được có tính toán kỹ lưỡng về thoát nước, ngập úng đô thị.
HOÀNG HIỆP