Đổi thay Hòa Xuân - Bài 2: Người dân đổi đời sau giải tỏa

.

Sau khi các cấp chính quyền thành phố thực hiện các chính sách giải tỏa, đền bù, chỉnh trang, không chỉ diện mạo đô thị thay đổi, đời sống người dân quận Cẩm Lệ nói chung và phường Hòa Xuân nói riêng cũng khác hẳn, khấm khá hơn nhiều nhờ được hưởng lợi từ các chính sách ưu việt mà thành phố áp dụng.

Cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Tấn Dương ngày càng ổn định. Ảnh: P.C
Cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Tấn Dương ngày càng ổn định. Ảnh: P.C

Cuộc sống mới ổn định hơn

Từ một vùng quê nghèo, mưa lầy, lũ ngập, nay ở Hòa Xuân các tuyến đường rộng thênh thang mở ra, bên cạnh là những ngôi nhà cao tầng, không gian đô thị hiện đại, thông thoáng.  Điều này đã minh chứng cho cuộc thay chuyển, biến Hòa Xuân từ một vùng trũng thấp trở nên sôi động.

Là một trong những người đầu tiên ở Cồn Dầu (phường Hòa Xuân) thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, tái định cư, bà Đ.T.C (SN 1950) không giấu nỗi vui mừng trước sự thay đổi của quê hương. Tiếp chúng tôi tại căn biệt thự có diện tích đất rộng 280m2 tại góc ngã tư đường Đô Đốc Lộc, bà C. vui mừng nói: “Nhờ giải tỏa, đền bù, gia đình tôi mới có cơ ngơi như ngày hôm nay. Có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến”. Theo bà C., hồi trước gia đình bà 9 người sinh sống trong căn nhà cấp 4, với diện tích đất 1.250m2 ở Cồn Dầu. Cứ nghĩ cả đời gắn bó với cảnh nghèo khổ cho đến lúc chết, nhưng năm 2008, thành phố thực hiện việc giải tỏa để đầu tư các dự án, gia đình bà được bố trí 7 lô đất tái định cư. Bà cho 5 người con mỗi người một lô, còn lại để xây dựng nhà ở.

“Về nơi ở mới cao ráo, nhà cửa kiên cố, đường sá rộng rãi nên rất thoải mái, không phải lo lắng gì nữa. Trước đây, cứ mỗi mùa mưa lụt đến là cả nhà nơm nớp lo âu…”, bà C. chia sẻ.

Gần 60 năm sống tại khu vực Cồn Dầu, hơn ai hết, bà C. là người thấu hiểu rõ nhưng gian nan, vất vả của người dân nơi đây. Bởi thời đó, đời sống người dân rất cơ cực, đã vậy cứ mưa đến là ngập, người lớn không thể đi làm, học sinh phải nghỉ học. Khi chưa giải tỏa, gia đình bà thu nhập chủ yếu nhờ vào làm ruộng và chăn nuôi. Tuy nhiên cuộc sống không dư giả gì, đủ sống qua ngày là may lắm. Mỗi lần mưa lớn kéo đến, gia đình bà lại nơm nớp lo âu vì sợ gia súc, gia cầm trôi theo nước lụt. Nhờ giải tỏa, bà thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn…

“Nếu tuổi này mà cứ đầu tắt mặt tối, vật lộn với công việc đồng án và chăn nuôi gia súc, gia cầm chắc tôi không kham nổi. Trước đây, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và làm bạn với heo, gà nhưng cuối cùng cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc…”, bà C. nói.

Không riêng gì bà C., nhiều người dân tại quận Cẩm Lệ và phường Hòa Xuân nói chung, người dân khu vực Cồn Dầu, Lỗ Giáng, Trung Lương (cũ) nói riêng đều cho rằng cuộc sống gia đình đã thay đổi hoàn toàn sau khi giải tỏa và đến nơi ở mới. Theo họ, nếu so sánh giữa khu cũ và khu mới hiện nay thì hoàn toàn khác biệt. Tất cả các mặt đời sống đều tốt hơn hẳn. Đó là chưa nói đến cơ sở hạ tầng, điện- đường - trường - trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại…

Theo bà N.T.M, sau khi nhường đất xây dựng dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, cuộc sống gia đình bà đã tốt hơn rất nhiều. “Sau giải tỏa, với số tiền đền bù, cộng với chút tiền tiết kiện, tôi xây ngôi nhà 3 tầng khang trang. Bà M. cho biết, trước đây ở khu vực Trung Lương, Lỗ Giáng… đường ra lối vào chật hẹp, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhất là khi mưa bão, cả nhà phải chen chúc nhau trong căn gác nhỏ, lo sợ nước lũ ngập nhà. “Vùng này trước đây ngập lụt, đến mùa mưa nước ngập lên tới nửa nhà. Từ khi giải tỏa, đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có cuộc sống mới ổn định hơn”, bà M. cho biết.

Người dân phấn khởi

Phố xá hình thành, đã tạo thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Nhờ vậy, nhiều người có thu nhập ổn định cuộc sống. Anh B.V.H (từng sinh sống tại khu vực Lỗ Giáng cũ) cho biết, sau giải tỏa Nhà nước bố trí đất tái định cư, giờ gia đình anh đã ổn định cuộc sống, nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn. Không làm nông nghiệp, gia đình mở cửa hàng cho vợ buôn bán hằng ngày, còn anh H. góp vốn với ngươi quen kinh doanh thêm đất đai bên ngoài.

“Hồi trước ở xóm cũ, gia đình tôi làm ruộng và chăn nuôi. Quanh năm lam lũ, đổ mồ hôi sôi nước mắt những cũng chẳng dư dả gì, may lắm cũng chỉ đủ ăn, có khi lại chạy ăn từng bữa. Mùa mưa lũ, nước ngập trắng đồng, trẻ em phải nghỉ học, người lớn chỉ biết ngồi tựa cửa nhìn nhau. Giờ đây mọi thứ đã thay đổi, nhà cao tầng san sát nhau liên tục mọc lên, đường sá rộng thênh thang cùng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, mở cửa ra là kiếm được tiền, nên nhiều người phấn khởi lắm”, anh H. tươi cười nói.

Còn anh Nguyễn Tấn Dương (50 tuổi, trú đường Trần Nam Trung, quận Cẩm Lệ) cho biết, so với trước đây, việc làm ăn buôn bán hiện nay dễ dàng hơn. Bởi người dân về sinh sống ở Hòa Xuân ngày một nhiều, các hàng quán “mọc” lên như nấm, tạo thuận lợi cho nhiều người kinh doanh, buôn bán. Đơn cử như gia đình anh, sau khi được cha mẹ cho đất làm nhà ổn định cuộc sống, anh thuê một lô đất trống ở góc đường Trần Nam Trung - Thanh Hóa (phường Hòa Xuân), ban ngày làm dịch vụ rửa xe, ban đêm bán quán nhậu cho người dân trong khu vực. Những ngày đông khách, hai vợ chồng anh kiếm được hơn 1 triệu đồng tiền lãi. Còn ngày ế khách cũng kiếm được vài trăm nghìn đi chợ. Cũng theo anh Dương, nếu trước đây, nhiều người bỏ xứ ra đi để kiếm sống, thì nay việc tìm kiếm nguồn thu nhập trên mảnh đất quê hương mình đã rất thuận tiện. Chỉ cần siêng năng, chịu khó là đủ sống ngon lành.

Từ khi quận Cẩm Lệ nói chung và phường Hòa Xuân nói riêng trở thành miền đất lành, ngoài người dân địa phương, người dân, doanh nghiệp từ các nơi đổ về đây sinh sống, đầu tư nhà máy, công ty… làm cho nhịp sống thay đổi hẳn. Các loại hình thương mại - dịch vụ “mọc” lên nhiều như nấm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ nhìn nhận, cuộc sống của người dân quận Cẩm Lệ nói chung, phường Hòa Xuân nói riêng đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ so với trước đây. Trong nhịp sống đô thị mới, văn minh, hiện đại, người dân đã được các cấp chính quyền thành phố tích cực hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm nhằm giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống tốt hơn. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư đồng bộ, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng cao.

PHƯƠNG CHI - TRÍ DŨNG

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.