Sử dụng phế phẩm vải vụn được thải ra từ các xưởng may và sáng tạo ra các sản phẩm thủ công là cách mà Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (Cormis) thực hiện gần 5 năm qua. “Những mảnh nhỏ diệu kỳ” đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng và tạo sinh kế cho các chị em khuyết tật.
Hạn chế rác thải ra môi trường
Theo chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng, các nhà may làm ra sản phẩm thủ công thường thải bỏ một lượng vải vụn rất lớn. Bên cạnh đó, những sản phẩm hết giá trị sử dụng, thay vì vứt bỏ hay đốt chúng, để đỡ lãng phí và gây ảnh hưởng đến môi trường, trung tâm tận dụng để tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ và ứng dụng trong cuộc sống. Việc làm này cũng nhằm lan tỏa thông điệp sống xanh, bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phế phẩm để sáng tạo thành các sản phẩm có giá trị. Những chiếc ví cầm tay, túi xách, túi đựng laptop, dây buộc tóc... có cách phối màu đầy ấn tượng cùng đường may sắc sảo nhưng không kém phần nữ tính và mềm mại. Thoạt đầu trông thấy sẽ khó biết được đây là sản phẩm do chính tay của các chị em khuyết tật của Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng làm bởi chúng được may chắc chắn và khéo léo.
Trong gian nhà nhỏ nằm trên đường Võ Trường Toản (quận Sơn Trà), hằng ngày có khoảng 10 phụ nữ luôn tay phân loại vải, may vá những mảnh nhỏ cùng nụ cười tươi nở trên môi. Chị Mai Thị Dung làm việc tại đây cho biết, có những chiếc khăn tay, túi vải... được các chị xử lý từ tấm ga trải giường, vỏ gối cũ kỹ. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động tái chế lâu dài, chị phải kết nối với các tiệm may lớn để thu gom vải thừa, vải lỗi. Từ đó, các chị có thể sáng tạo nhiều mẫu mã bắt mắt hơn để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. “Công việc này đã giúp chị em khuyết tật nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bởi trước đây, họ cho rằng, việc bảo vệ môi trường là công việc họ không có khả năng tham gia. Tuy nhiên, sau khi chinh phục “những mảnh ghép diệu kỳ” bằng sự học hỏi, quan sát khiến họ nhận ra chính họ vẫn có thể tham gia tác động tích cực đến môi trường” chị Dung chia sẻ.
Tạo việc làm cho người khuyết tật
Sản phẩm tái chế từ vải vụn được đưa đến tay người tiêu dùng bằng nhiều cách thức như: bán lẻ qua trang Fanpage, tham gia phiên chợ cộng đồng ở Hội An và Đà Nẵng, du khách nước ngoài ghé mua trực tiếp tại trung tâm... Chị Đặng Thị Bé (50 tuổi, trú quận Sơn Trà) có đôi chân bị khuyết tật từ nhỏ và thị giác kém, khó nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Công việc của chị chủ yếu là sửa áo quần tại nhà. “Đến với Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng, tôi được mọi người hỗ trợ để có công việc ổn định. Đây là hoạt động làm các sản phẩm thủ công tái chế từ vải bỏ đi, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp người khuyết tật như tôi có thêm thu nhập. Mỗi tháng, bên cạnh số tiền tôi kiếm được từ việc sửa áo quần tại nhà, tôi có thêm 2-3 triệu đồng khi tham gia tái chế. Số tiền này đã giúp cuộc sống của tôi được cải thiện hơn nhiều”, chị Bé tâm sự.
Ngoài việc tạo thu nhập, trung tâm cũng chú trọng việc chăm sóc sức khỏe tâm trí cho người khuyết tật bằng việc tham gia các hoạt động, các phiên chợ cộng đồng để bày bán sản phẩm, kết nối, gặp gỡ những người cùng tâm huyết để chị em hòa nhập hơn, học cách giao tiếp, buôn bán, tư vấn sản phẩm... Chị Đặng Thị Bé chia sẻ thêm, đây là công việc chị yêu thích vì chị cảm nhận được rằng, chính chị đã góp phần tái chế những mảnh vải thải trở thành những sản phẩm hữu ích đem lại giá trị cho xã hội và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn vì để hoàn thiện một sản phẩm, phải mất rất nhiều thời gian để ghép những tấm vải nhỏ với nhau sao cho đẹp mắt, ấn tượng và chỉn chu.
Theo chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, trung tâm nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cá nhân và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nguồn nhân lực nâng cao tay nghề và cập nhật xu thế thị trường. Từ đó, khuyến khích sự tự tin, truyền cảm hứng và tạo tác động tích cực cho xã hội, môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm các đầu ra cho sản phẩm tái chế để tăng thu nhập cho người khuyết tật và tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao tinh thần, mang lại niềm vui giúp nhóm yếu thế tự tin hòa nhập cộng đồng.
KHÁNH NGÂN