'Hòa nhập xanh' cùng cộng đồng người khuyết tật

.

Hòa nhập cùng thiên nhiên, giữ gìn biển xanh, sạch, đẹp và trong lành, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng xã hội… là những thông điệp tích cực lan tỏa từ các hoạt động bảo vệ môi trường của nhóm khuyết tật “Hòa nhập xanh”, góp phần cùng Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường.

Hoạt động của nhóm Hòa nhập xanh truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ bảo vệ môi trường. Ảnh: VIỆT ÂN
Hoạt động của nhóm Hòa nhập xanh truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ bảo vệ môi trường. Ảnh: VIỆT ÂN

Thành lập từ tháng 5-2019, nhóm “Hòa nhập xanh” với các thành viên là người khuyết tật trên địa bàn thành phố đã cần mẫn, chung tay thu dọn rác, làm sạch môi trường, tạo nên ấn tượng đẹp trong mắt người dân và du khách. Mỗi tháng từ 1-2 lần, các thành viên trong nhóm lại tập hợp, thu xếp thời gian để tham gia dọn dẹp vệ sinh, nỗ lực xóa các điểm đen môi trường. Tuy mỗi người đều có hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết riêng trên cơ thể, nhưng tất cả đều có chung tình yêu với môi trường và mong muốn thành phố trở nên sạch, đẹp hơn.

Tham gia từ những ngày đầu thành lập, chị Đặng Thị Mỹ Trinh (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, khi nhóm đi nhặt rác, nhiều người xung quanh cảm thấy ái ngại, thậm chí có những lời chế giễu do đa số người khuyết tật thường hoạt động bất tiện và không bảo đảm sức khỏe. Mọi người trong nhóm thường động viên nhau để vượt qua mặc cảm và tự tin hơn, lấy những lời nói không hay đó làm động lực trong cuộc sống.

Với những người khuyết tật như chị Trinh, việc cúi xuống nhặt rác hay di chuyển là một trở ngại, nhưng vì tình yêu thiên nhiên và mong muốn góp phần nhỏ công sức bảo vệ môi trường nên mọi người đều cố gắng, quyết tâm vượt qua giới hạn bản thân và định kiến của xã hội. Chị Trinh cho rằng, bất cứ người khuyết tật hay người bình thường đều có thể bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, thiết thực nhất.

Anh Mai Huỳnh Quốc Thống, Trưởng nhóm Hòa nhập xanh chia sẻ, nhóm được thành lập với mong muốn mang đến những sự trải nghiệm mới dành cho cộng đồng người khuyết tật. Đây là nơi để mọi người có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng, góp sức của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường sống trong lành, sạch đẹp. Trải qua 4 năm thành lập, nhóm có khoảng 10-15 thành viên là những người khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn thành phố tham gia.

Bên cạnh đó, nhóm còn có sự hỗ trợ, tham gia, kết nối của một số học sinh, sinh viên các trường: Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), THPT FPT Đà Nẵng, Đại học Đông Á… và những bạn trẻ yêu môi trường trên địa bàn. Theo anh Thống, trước khi tổ chức hoạt động, anh thường tìm đến những địa điểm có nhiều rác, các điểm đen về môi trường để khảo sát. Trong quá trình tham gia nhặt rác sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như kim tiêm, các chất thải độc hại, rác rỉ sét… Vì thế, nhóm luôn chuẩn bị và nhắc nhở nhau mang bao tay, sử dụng kẹp gắp rác để bảo vệ bản thân trong mỗi lần thu gom, dọn rác. Sau mỗi buổi ra quân, tùy vào địa điểm, khu vực, nhóm sẽ tìm cách vận chuyển rác về nơi tập kết đúng quy định, hoặc liên hệ với công nhân môi trường để hỗ trợ vận chuyển rác về nơi tập kết.

Đối với những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa,… nhóm sẽ thu gom bán gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện khác. “Chúng tôi muốn lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng thông qua việc những người khuyết tật tham gia bảo vệ môi trường. Mỗi người chung tay thực hiện một hành động nhỏ về môi trường sẽ tạo nên sự thay đổi lớn làm cho Đà Nẵng trở nên sạch đẹp hơn”, anh Thống nói.

Hơn 1 năm tham gia nhặt rác cùng nhóm Hòa nhập xanh, em Nguyễn Hữu Ân, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ sự ngưỡng mộ trước hành động của các thành viên trong nhóm. Mặc dù di chuyển khó khăn và gặp các vấn đề sức khỏe, nhưng mọi người đều nỗ lực, cần mẫn và kiên trì với mục tiêu bảo vệ môi trường của mình. Theo Ân, hoạt động của nhóm Hòa nhập xanh rất thiết thực, ý nghĩa và đầy tính nhân văn.

Đây là tấm gương để Ân cùng những người yêu môi trường khác phải thay đổi suy nghĩ và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hành động đẹp, tử tế viết nên giữa đời thường như thế này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. “Em nghĩ đóng góp chút sức nhỏ để làm những việc có ích cho môi trường là việc có thể thực hiện hoàn toàn trong khả năng của mình.

Những anh chị khuyết tật còn có thể bảo vệ môi trường thì không có lý do nào những người bình thường không làm được. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ có ý thức và sống tử tế hơn với môi trường xung quanh”, Ân cho hay.

VIỆT ÂN

;
;
.
.
.
.
.