Phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm” giúp nhiều gia đình khó khăn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lo (thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn) từng là hộ nghèo, một mình chị nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Năm 2015, Chi bộ thôn Phú Hòa 2 phân công đảng viên đến nhà khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của chị và quyết định hỗ trợ heo giống, góp công sửa chữa lại chuồng trại để gia đình nuôi heo phát triển kinh tế. Chị Lo chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ heo, tôi rất phấn khởi và có thêm động lực để chăn nuôi, lo cho con ăn học. Sau 6 tháng chăm sóc heo, tôi bán kiếm được số vốn rồi mua máy xay bột, làm giàn khung để tráng bánh, bỏ sỉ tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn xã. Giờ đây, tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con ăn học. Năm 2017, gia đình được xã xét duyệt và công nhận thoát nghèo”.
Tương tự, chị Trần Thị Cương (thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn) là phụ nữ đơn thân, có con nhỏ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc vào tiền công làm thuê của chị. Uớc mơ về một ngôi nhà khang trang, kiên cố rất xa vời. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị Cương được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà mới từ số tiền hỗ trợ “Nuôi heo đất” của các hộ dân trong xã và nguồn Quỹ “Vì người nghèo”. Bên cạnh đó, Tổ chức Trẻ em Việt Nam hỗ trợ 17 triệu đồng mua bò giống và bàn học cho con. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, cùng sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, người thân, giờ đây mẹ con chị Cương đã có cuộc sống êm ấm hơn trong ngôi nhà khang trang.
Năm 2023, gia đình ông Đinh Văn Tấn (thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn) tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo sau khi thường xuyên nhận hỗ trợ, chia sẻ từ nguồn nuôi heo đất tiết kiệm trong thôn, khi vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo. “Bây giờ vợ mất rồi, kinh tế gia đình cũng bớt lo hơn nên bản thân tôi mong muốn từ lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình sẽ khích lệ tinh thần vươn lên của các hộ còn khó khăn trong thôn”, ông Tấn nói.
Trên đây là 3 trong số hàng trăm hộ dân được chính quyền địa phương hỗ trợ từ chương trình tiết kiệm nuôi heo đất giúp đỡ hộ nghèo, gia đình khó khăn, neo đơn. Ông Bùi Trúc, Trưởng thôn Phú Hòa 1 cho biết, mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm" được chi bộ thôn phát động cách đây gần 10 năm. Mỗi đảng viên trong chi bộ thực hiện nuôi 1 con heo đất, tiết kiệm tối thiểu 1.000 đồng/ngày để bỏ vào heo đất, một năm là 365.000 đồng. Tuy nhiên, có rất nhiều đảng viên đóng góp mỗi năm 1-2 triệu đồng. “Từ số tiền tiết kiệm nuôi heo đất của chi bộ thôn, các hội đoàn thể và đảng viên trong thôn sẽ hỗ trợ tiền , sinh kế, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Trúc cho hay.
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, từ năm 2014 đến nay, từ mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”, toàn xã đã nuôi hơn 2.500 con heo đất, tiết kiệm gần 400 triệu đồng. Nguồn kinh phí này giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn sửa chữa nhà ở; hỗ trợ sinh kế, vốn sản xuất, buôn bán, giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế; hỗ trợ đột xuất các hộ có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, Tết, ốm đau; tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi...
Ông Bùi Nam Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kiêm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho biết, đến nay, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” được thực hiện ở hầu hết các xã, các hội đoàn thể, chi bộ cơ quan, thôn trong huyện. Dù tên gọi của mô hình ở một số địa phương có khác nhau nhưng đều cùng chung mục đích an sinh xã hội, giúp đỡ những người nghèo, trẻ em con gia đình nghèo, khó khăn được tiếp thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Cũng theo ông Dũng, từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận huyện đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, khó khăn, thông qua cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” cũng như tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” vì người nghèo. Theo đó, huyện sẽ phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn.
TRỌNG HÙNG