Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng đô thị sinh thái

.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 được quy hợp và tích hợp các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nên việc thực hiện luật này trong thời gian qua có nhiều thuận lợi và tác động tích cực vào lộ trình xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.

Thành phố đã đầu tư, đưa vào vận hành 2 trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, góp phần thực hiện tốt quy định của Luật Bảo vệ môi trường và đáp ứng các mục tiêu đề ra của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố đã đầu tư, đưa vào vận hành 2 trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, góp phần thực hiện tốt quy định của Luật Bảo vệ môi trường và đáp ứng các mục tiêu đề ra của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên cơ sở những định hướng, mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tích hợp các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể cả những quy định mới. Chính vì vậy, đề án đã được triển khai định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái và có đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

“Thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ 4 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm gồm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Với định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW là xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái và một số quy định liên quan đến sinh thái trong Luật Bảo vệ môi trường, thành phố đã triển khai nội dung các thành phần chuyên biệt về sinh thái. Đồng thời, tuyên truyền, kêu gọi, vận động người dân thành phố chung tay xây dựng thành phố môi trường, thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, làm sạch bãi biển, phân loại rác tại nguồn...”, bà Nguyễn Thị Kim Hà nói.

Cùng với đó, thành phố đã thiết lập hợp tác hỗ trợ kỹ thuật chặt chẽ về môi trường với 3 chính quyền thành phố (Boras - Thụy Điển, Yokohama - Nhật Bản, Daegu - Hàn Quốc) và nhiều tổ chức trong khu vực và thế giới; huy động sự hỗ trợ kỹ thuật môi trường với các cơ quan hợp tác quốc tế và các đối tác như: USAID, JICA, DANIDA, WB, ADB... với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng từ các dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Thành phố cũng đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với 66 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục; 15 hệ thống lấy mẫu tự động của các trạm quan trắc nước thải, nước mặt... và đã kết nối, tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố đã tăng tỷ lệ ngân sách đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường, công tác bảo vệ môi trường lên hơn 6% trong năm 2021 và hơn 9% trong năm 2022. Theo đó, thành phố đã đầu tư gần 4.967 tỷ đồng triển khai 7 dự án thu gom nước thải, nâng tỷ lệ thu gom nước thải hiện nay tại khu vực đô thị đạt đến 90%. Đà Nẵng đã và đang triển khai đầu tư, đưa vào vận hành 6 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 340.500m3/ngày.

Các trạm xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng bảo đảm xử lý 100% trữ lượng nước thải thu gom được. Từ cuối năm 2017, thành phố đã bắt đầu thực hiện phong trào chống rác thải nhựa; từ năm 2018 đến nay, thành phố thực hiện phân loại rác tại nguồn và đang tạo cơ sở để tiến đến thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 từ ngày 1-1-2025.

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường về xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp rác sinh hoạt và bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, thành phố đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 2 trạm xử lý nước rỉ rác có tổng công suất 1.750m3/ngày; 2 trạm trung chuyển rác có tổng công suất 665 tấn/ngày và đang chuẩn bị đầu tư, nâng cấp các trạm trung chuyển rác khác. Ngày 25-11, tại lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (rác) sinh hoạt, công nghiệp và chất chải nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn cho Công ty CP Tập đoàn AMACCAO với tổng vốn đầu tư 2.021 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO Nguyễn Hà thông tin: “Chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện có công suất xử lý rác 650 tấn/ngày với công nghệ của Công ty Martin (Đức) tại bãi rác Khánh Sơn. Chúng tôi đang bám sát tiến độ triển khai dự án do thành phố đề ra để đưa nhà máy vào vận hành từ quý 3-2026”... Những công trình, hạ tầng môi trường sau khi được hoàn thành và đưa vào vận hành không chỉ góp phần thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, mà còn hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Xây dựng đô thị sinh thái, thành phố đáng sống
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian tới là xây dựng đô thị sinh thái, trở thành thành phố đáng sống; duy trì các điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải carbon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trong lĩnh vực môi trường là 100% dân số được cung cấp, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên 97%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường hơn 90%; tỷ lệ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45-47%.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.