Vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền

.

35 năm gắn bó với nghề biển, ngư dân Lê Dũng, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, không chỉ được nhiều người biết đến bởi giỏi nghề mà còn là một “thủ lĩnh” của phong trào đoàn kết, cùng ngư dân tương trợ, giúp đỡ nhau bám biển, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Thuyền trưởng Lê Dũng đã nhiều năm vươn khơi bám biển. Ảnh: D.Q
Thuyền trưởng Lê Dũng đã nhiều năm vươn khơi bám biển. Ảnh: D.Q

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề biển, ngư dân Lê Dũng được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm trong nghề biển mà ông và cha của anh đúc kết truyền dạy. “13 tuổi, tôi đã bắt đầu đi biển. Nghề biển vất vả, rất cần sức khỏe và kinh nghiệm. Trước đây, khi điều kiện khó khăn, ngư dân làm gì có nổi cái máy I-com, máy dò cá hay đơn giản hơn là máy bộ đàm để gọi, nhắn tin như bây giờ. Nhưng cũng chính trong khó khăn ấy, đòi hỏi mỗi ngư dân phải tự tích lũy kinh nghiệm cho mình …”, anh Dũng chia sẻ.

Với bản tính chịu khó, ham học hỏi và được thừa hưởng truyền thống gia đình cộng với sự truyền dạy của cha ông, anh Dũng dần khẳng định mình. Sau 5 năm bám biển vươn khơi, anh đã lái được tàu. Năm 20 tuổi, anh đã cầm lái chiếc tàu của cha và trở thành thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, bền bỉ vươn khơi đánh bắt xa bờ. Anh thuộc từng con nước, luồng cá, từng cột mốc biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ đó, công việc khai thác hải sản của anh gặp nhiều thuận lợi, luôn chở về những khoang tàu đầy ắp cá tôm, giúp anh vươn lên làm giàu cho chính mình và những bạn tàu khác. Trong quá trình làm ăn trên biển, anh tham gia tổ đội đoàn kết; hướng dẫn nhiều tàu bạn cùng khai thác khi gặp nhiều luồng cá; thực hiện tốt các quy định về khai thác, đánh bắt, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, anh cùng các bạn tàu của mình cũng đã nhiều lần ứng cứu nhiều tàu khác bị hư hỏng, trôi dạt trên biển được an toàn.

Từ chiếc tàu 90CV của cha truyền lại, anh vay mượn thêm để cải hoán, nâng cấp tàu cá lên công suất 420-500CV. Và hiện nay anh là chủ của hai con tàu công suất lớn gồm: tàu lưới rê hỗn hợp ĐNa 90098TS (840CV) và tàu lưới vây ĐNa 90521TS (880CV) trị giá hàng tỷ đồng. Để giúp anh có thêm điều kiện để vươn khơi bám biển khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và Bộ đội Biên phòng thành phố đã hỗ trợ tàu anh Dũng sử dụng mô hình máy tầm ngư dò đứng, nhờ đó mà sản lượng khai thác trong các chuyến biển cao hơn, tăng thêm thu nhập.

Anh đi biển quanh năm, chỉ trừ 2 tháng mùa con nước trong (tháng 4-5). Trung bình mỗi năm, tàu lưới rê đi 16 chuyến, sản lượng 2-3 tấn/chuyến; tàu lưới vây đi 8 chuyến, sản lượng 5-10 tấn/chuyến. Từ đó đem lại cho anh lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/năm, nuôi 4 người con ăn học, xây nhà cửa khang trang… Đặc biệt, anh giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Tham gia đánh bắt hải sản trên biển, mỗi một ngư dân như anh Dũng chính là một “cột mốc sống” đánh dấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Không những vậy, anh còn thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thường xuyên tuyên truyền tới các chủ tàu trong các tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước về các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, đảm bảo không vi phạm vùng biển nước ngoài….; tổ chức đăng ký, gia hạn đăng kiểm theo quy định và chấp hành tốt quy chế biên phòng. Với những thành tích đã đạt được, anh Lê Dũng vừa được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.

DOÃN QUANG

;
;
.
.
.
.
.