Thành phố có chủ trương đầu tư các trạm xử lý nước thải phân tán, quy mô nhỏ khi xây dựng mới các khu tái định cư, khu dân cư, khu đô thị mới ở huyện Hòa Vang để xử lý nước thải.
Trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ được xây dựng hoàn thành tại khu tái định cư ở thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong năm 2023, một số hộ dân giải tỏa để thi công các dự án trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) đến nhận đất bố trí tại khu tái định cư (TĐC) ở thôn Hội Phước (xã Hòa Phú) bên đường vành đai phía tây không khỏi bất ngờ, vì ở đây có 1 trạm xử lý nước thải (XLNT) mới quy mô nhỏ được xây dựng. Ngoài ra, cuối mỗi lô đất đều bố trí sẵn một đường ống thu gom nước thải sinh hoạt và điểm đấu nối nước thải. Cùng với hệ thống đường giao thông đã thảm bê-tông nhựa, hệ thống cấp điện, cấp nước sạch, thu gom và thoát nước mưa, việc có thêm hệ thống thu gom và xử lý nước thải đưa nơi đây trở thành khu TĐC đầu tiên ở huyện Hòa Vang đáp ứng tiêu chuẩn đô thị để sớm đưa huyện trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất. Khu TĐC này chỉ cách sông Túy Loan 500m nên nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn rồi xả ra môi trường sẽ không làm ô nhiễm nguồn nước sông.
Đồng thời, với đặc thù trạm XLNT ở trong khu TĐC, phần lớn bề mặt bể chứa và xử lý nước thải được xây kín bằng bê-tông, ngăn mùi hôi phát tán ra bên ngoài và không cho nước mưa xâm nhập vào hệ thống, bảo đảm an toàn công trình cũng như quá trình vận hành... Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu cho biết: “Hiện khu TĐC ở thôn Hội Phước đã có 3 hộ dân xây dựng nhà ở. Vì thế, việc có trạm XNLT được xây dựng sẵn sẽ bảo đảm môi trường trong khu vực”.
Dọc theo đường vành đai phía tây đang xây dựng về xã Hòa Khương, một trạm XLNT phân tán có quy mô nhỏ cũng đang được thi công ở khu TĐC Hòa Khương. Trạm XLNT này do Công ty CP Kỹ thuật SEEN thi công, đây cũng là đơn vị thi công các trạm XLNT tập trung có quy mô lớn ở đô thị như Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... với công nghệ XLNT tiên tiến. Ông Phạm Văn Thuần, đại diện Công ty CP Kỹ thuật SEEN bày tỏ: “Trạm XLNT đang được xây dựng tại khu TĐC Hòa Khương có quy mô nhỏ nhưng chúng tôi cũng đã đưa công nghệ xử lý tốt, phù hợp nhất và bảo đảm hồ sơ thiết kế dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn giống như tại các trạm XLNT tập trung đang được vận hành ở trung tâm thành phố”.
Với đặc thù có nhiều khu dân cư phân tán, chia cắt bởi địa hình nên huyện Hòa Vang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư các công trình thu gom, trạm XLNT. Nếu như ở khu vực đô thị, thành phố đã và đang đầu tư, vận hành 6 trạm XLNT tập trung với tổng công suất đến 340.500m3/ngày, thì ở huyện Hòa Vang, hình thức đầu tư những trạm XLNT loại nhỏ, phân tán ở một hoặc một số cụm khu TĐC, khu dân cư, khu đô thị được xem là phù hợp. Đây được xem là hướng đầu tư khi triển khai xây dựng các khu TĐC, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn huyện. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy, trong quá trình triển khai các khu TĐC mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, đơn vị đều đưa vào hạng mục đầu tư các trạm XLNT loại nhỏ tại các xã Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Phú...
Hiện nay, trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư khu TĐC số 1 phục vụ giải tỏa dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông và khu TĐC phục vụ giải tỏa các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang tại xã Hòa Nhơn, các đơn vị liên quan đang đề xuất đầu tư hệ thống thoát nước riêng để bảo đảm thu gom hết nước thải và đầu tư trạm xử lý phục vụ cho một số khu TĐC gần nhau. Theo đó, nước thải sinh hoạt từ các khu vệ sinh nhà ở, khu thương mại dịch vụ... phải được xử lý qua bể tự hoại hoặc xử lý riêng đúng quy cách trước khi xả vào cống nước thải thông qua ống chờ đấu nối chôn ngầm để dẫn nước về trạm bơm. Nước thải được dẫn về trạm XLNT có công suất 714 m3/ngày để xử lý.
Trạm XLNT này có quy trình công nghệ xử lý nước thải qua các bể tách rác, lắng cát, điều hòa, anoxic, sinh học hiếu khí, lắng, trung gian, lọc áp lực, khử trùng... cho chất lượng nước sau xử lý đạt đến chuẩn A trước khi cho thoát vào cống hộp thoát nước mưa và chảy ra sông Túy Loan. Chủ đầu tư cũng sẽ lắp đặt trạm quan trắc tự động cho trạm XLNT và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; trồng cây xanh trong khoảng cách an toàn tối thiếu 10m xung quanh trạm. Ngoài ra, diện tích xây dựng trạm XLNT cũng dự phòng khả năng phát triển mở rộng, nâng công suất, bảo đảm thu gom, xử lý nước thải cho các khu vực lân cận khác trong tương lai.
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng công suất các trạm XLNT sinh hoạt đến năm 2030 đạt 515.000m3/ngày, trong đó sẽ đầu tư xây dựng mới 1 trạm XLNT tại xã Hòa Nhơn, các trạm XLNT phân tán, cục bộ ở khu vực phía tây nam thành phố. Khu vực các đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Trước mắt, nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán.
HOÀNG HIỆP