Xây dựng nơi làm việc an toàn, sạch đẹp

.

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, xanh - sạch - đẹp.

Công nhân lao động tham gia hội thao kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố cháy nổ tại nơi làm việc. Ảnh: L.P
Công nhân lao động tham gia hội thao kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố cháy nổ tại nơi làm việc. Ảnh: L.P

Nhiều cách làm hiệu quả

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), thứ Tư hằng tuần được chọn là “Ngày an toàn tại DRC”. Trong ngày này, các đoàn kiểm tra của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ tại tất cả các đơn vị, phân xưởng. Trên cơ sở các tiêu chí đề ra, các đoàn kiểm tra chấm điểm cho từng bộ phận, làm căn cứ để khen thưởng, kỷ luật trong việc thực hiện ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, trong “Ngày an toàn tại DRC”, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ cũng được triển khai, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động (NLĐ) về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Song song đó, từ tháng 5-2023, công ty triển khai mô hình “Thưởng an toàn hằng tháng”. Cụ thể, mỗi tháng, Hội đồng ATVSLĐ kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ tại tất cả đơn vị, phân xưởng ít nhất 4 lần định kỳ và các lần đột xuất. Các đơn vị, phân xưởng không để xảy ra tai nạn, sự cố lao động sẽ có cơ hội được thưởng và duy trì sự an toàn càng lâu thì mức thưởng càng lớn.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc DRC cho biết, bên cạnh duy trì hiệu quả các mô hình ATVSLĐ, công ty chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ có trình độ, năng lực và chuyên nghiệp. Cụ thể, thành lập Ban bảo hộ lao động với 9 thành viên và 9 bộ phận chuyên trách ATVSLĐ; xây dựng trạm y tế với 7 nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ để chăm sóc sức khỏe NLĐ; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 170 người. Hằng năm, công ty đầu tư hơn 31 tỷ đồng cho công tác ATVSLĐ.

“Thông qua triển khai nhiều mô hình, cách làm thiết thực trong công tác ATVSLĐ, ý thức trách nhiệm của NLĐ về ATVSLĐ được nâng lên. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều vụ việc, nguy cơ gây mất an toàn tại nơi làm việc được kịp thời phát hiện và khắc phục. Nhờ đó, giảm đáng kể cả về số vụ và mức độ tai nạn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ và tài sản của doanh nghiệp”, ông Nhựt nói.

Trong khi đó, tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, một trong những nội dung quan trọng của văn hóa an toàn lao động được hướng đến là bảo đảm môi trường lao động an toàn, xanh - sạch - đẹp. Hằng năm và định kỳ, tổng công ty mời các đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, quan trắc môi trường làm việc bảo đảm an toàn; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải, lọc không khí,... hiện đại bảo đảm môi trường làm việc thông thoáng, an toàn. Ngoài ra, chú trọng trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà máy; bố trí bồn hoa, cây xanh tại các khu vực sản xuất tạo không gian thoáng mát tại nơi làm việc.

Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Lê Văn Đại cho biết, với phương châm “Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục, bằng mọi biện pháp đưa nhanh thông tin về ATVSLĐ đến cơ sở và NLĐ”, các cấp Công đoàn thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, học tập quán triệt; tổ chức các hội thi, cuộc thi; mở các lớp tuyên truyền, tọa đàm,… Cùng với đó, các Công đoàn cơ sở còn tổ chức phát động các phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, tham gia xây dựng các công trình, các đề tài, sáng kiến liên quan đến ATVSLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Đặc biệt, hằng năm, LĐLĐ thành phố tổ chức hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” với các nội dung: sân khấu hóa, thi lý thuyết kiến thức pháp luật về ATVSLĐ, trả lời câu hỏi ứng xử, thực hành băng bó cấp cứu người bị nạn,… thu hút hàng trăm vệ sinh viên và công nhân lao động tham gia.

Theo ông Đại, các hội thi đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ; vận động NLĐ chủ động thực hiện tốt các quy định pháp luật về ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Cùng với đó, LĐLĐ thành phố yêu cầu và hướng dẫn các Công đoàn cơ sở xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ trong các đơn vị doanh nghiệp. Kết quả, hơn 70% doanh nghiệp có sản xuất đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với hơn 2.000 người. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.