Lan tỏa tinh thần phụ nữ khởi nghiệp

.

Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, phụ nữ quận Cẩm Lệ với hướng đi sáng tạo đã hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả bước đầu; từ đó, giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo phụ nữ khác tại địa phương.

Phong trào khởi nghiệp được phụ nữ Cẩm Lệ hưởng ứng tích cực, sôi nổi. TRONG ẢNH: Chị Cao Thị Lúa khởi nghiệp hiệu quả với các sản phẩm về gừng và nghệ. Ảnh: TRẦN TRÚC
Phong trào khởi nghiệp được phụ nữ Cẩm Lệ hưởng ứng tích cực, sôi nổi. TRONG ẢNH: Chị Cao Thị Lúa khởi nghiệp hiệu quả với các sản phẩm về gừng và nghệ. Ảnh: TRẦN TRÚC

Chị Cao Thị Lúa (phường Hòa Xuân) bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2017 bằng sản phẩm mứt nghệ. Khi đó, với sự am hiểu về nghệ, gừng cùng mong muốn tạo ra sản phẩm giúp bảo vệ sức khỏe, chị đã bắt tay vào thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu. Từ quy trình của máy móc tạo ra tinh bột, chị tìm tòi, đúc kết ra cách làm bằng thủ công. Đối với chị, cách làm này giúp sản phẩm dùng ngon, dễ uống hơn và sau khi thử nghiệm khoảng vài tháng để ổn định quy trình, chị làm ngay tại nhà để tiết kiệm chi phí.

Chị Lúa còn thuê các chị em phụ nữ gần nhà làm thời vụ bóc vỏ nghệ và gừng. Đến nay, cơ sở của chị với tên gọi “Sản phẩm Nhà Mật” có thị trường tiêu thụ ổn định tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; cung cấp các mặt hàng liên quan đến nghệ và gừng cho các đại lý, trong đó sản lượng tinh bột nghệ tươi là 1 tấn/năm và 5 tấn/vụ đối với gừng tươi phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm này không chỉ được quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ để nhiều khách hàng biết đến, chị còn đẩy mạnh bán hàng trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử trở thành kênh tiêu thụ chính của cơ sở.

“Quy mô sản xuất của cơ sở không lớn, nhưng tôi tập trung đi theo hướng nông sản sạch theo mùa. Điểm đặc biệt chính nằm ở nguồn nguyên liệu. Gừng và nghệ phải là thứ nguyên liệu đặc trưng địa phương, do đó tôi thu mua gừng, nghệ bản địa của khu vực Tây Nguyên và miền núi Quảng Nam. Chúng tôi tìm đến các vườn tự nhiên, bảo đảm khâu canh tác không sử dụng phân bón hữu cơ, vậy nên giá tuy cao hơn gấp 3 lần nhưng sản phẩm cho ra sẽ chất lượng.

Đồng thời, sản phẩm cũng không đi theo hướng công nghiệp mà chú trọng vào thủ công để hướng đến sự bền vững, an toàn. Thời gian đến, cơ sở vẫn sẽ ưu tiên duy trì sản xuất và nghiên cứu mở rộng quy mô để bảo đảm cung ứng cho thị trường trong nước. Ngoài ra, tôi cũng đang chuẩn bị hoàn tất hồ sơ đăng ký nhằm hướng đến việc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử nước ngoài”, chị Lúa cho hay.

Còn đối với chị Phan Thị Cẩm Vân (phường Hòa Thọ Đông), hành trình khởi nghiệp với sản phẩm Bánh kem bắp Mây Mây Bakery của chị đến một cách đầy tình cờ. Chị bắt đầu mày mò học cách làm bánh sau khi nhận thấy trên thị trường có nhiều chất phụ gia không tốt trong các sản phẩm bánh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau vài tháng học hỏi từ các chuyên gia và những người đi trước, chị đã nắm vững các kiến thức của bánh như kết cấu, đặc tính và nhiệt độ lò. Từ đây, ý định kinh doanh bánh của chị Vân cũng bắt đầu. Đến đầu năm 2023, chị thành lập hộ kinh doanh Tiệm bánh Mây Mây.

Hiện tại cơ sở của chị có 6 loại bánh, chủ yếu là bánh bông lan trứng muối và bánh gato không chất bảo quản. Chị bán sản phẩm thông qua các kênh online với số lượng tiêu thụ trung bình hơn 200 hộp/tháng. Vừa qua, Bánh kem bắp Mây Mây Bakery của chị đã đạt giải Nhì tại Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” cấp quận năm 2023.

“Giải thưởng là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao đối với tôi để tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp. Bởi vì, đối với nữ giới, khi bắt đầu quá trình khởi nghiệp, khó khăn sẽ nhân lên gấp bội, nhất là những người có gia đình hay con nhỏ. Lúc khởi đầu, có những mẻ bánh bị hỏng và xấu, nhưng nếu từ bỏ ngay khi đó thì tôi hoàn toàn hết cơ hội để khởi nghiệp bằng nghề nào khác vì tuổi tác không còn trẻ. Bên cạnh đó, tôi vừa kinh doanh bánh vừa chăm lo gia đình.

Hai việc song song với nhau nên cũng có những khó khăn nhất định, khi chỉ chú tâm vào làm bánh thì sẽ không có thời gian chăm sóc con cái và ngược lại. Tuy nhiên, tôi rất muốn tạo dựng một cái gì đó thật riêng cho bản thân và gia đình và khởi nghiệp với việc làm bánh đã giúp tôi tạo ra được điều đặc biệt đó. Nó còn mang lại nguồn kinh tế ổn định, phụ giúp cho gia đình và sẽ càng thêm phát triển bản thân tôi”, chị Vân chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ Ngô Thị Thùy Trang cho biết, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ địa phương thời gian gần đây diễn ra sôi nổi và tích cực. Chị em hội viên đều rất sáng tạo, chịu khó học hỏi, tìm tòi hướng đi mới trong công việc kinh doanh. Tuy vậy, hội cũng gặp một số khó khăn nhất định trong việc khảo sát, tìm kiếm ý tưởng và trong công tác hỗ trợ các ý tưởng. Trong năm 2023, hội đã khảo sát và phát triển 16 ý tưởng khởi nghiệp, nâng tổng số ý tưởng khởi nghiệp từ 2017 đến nay lên 120 ý tưởng.

Thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã tiếp cận được các nhà đầu tư để vươn tầm ra ngoài biên giới Việt Nam, tiêu biểu là bánh đậu xanh Thiên Phát. Đồng thời, các báo cáo viên có chất lượng đã truyền đạt kiến thức và định hướng cho các ý tưởng giúp chị em tích lũy được kinh nghiệm cũng như học hỏi lẫn nhau. Tinh thần khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo của chị em phụ nữ trên địa bàn quận sẽ tạo nên một bức tranh tươi sáng, thúc đẩy phong trào hoạt động của phụ nữ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.