Lan tỏa việc làm tốt

.

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng anh Hồ Duy Minh, công nhân Đội 4, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) là tấm gương sáng “nhặt được của rơi, trả lại người mất”, lan tỏa tinh thần tích cực đến những người xung quanh.

Giống như nhiều công nhân ngành môi trường khác, anh Hồ Duy Minh (1979) có nét sương gió trên khuôn mặt của những người thường xuyên phải dãi nắng, dầm sương ngoài đường phố. Khu vực anh làm việc tại các kiệt, hẻm thuộc phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) và bắt đầu từ 15 giờ đến 23 giờ, hoặc có thể muộn hơn tùy theo khối lượng công việc mỗi ngày.

Được biết, anh Minh thu gom rác cho khoảng 700-800 nhà dân, khối lượng rác thu gom 2,8-3 tấn/ngày bằng 12 lượt xe vận chuyển. Những ngày này, người dân sơn sửa, trang trí, dọn dẹp nhà cửa đón Tết nên rác nhiều và cồng kềnh hơn, anh Minh phải tăng thêm 3 lượt xe vận chuyển mỗi ngày. Chưa kể địa bàn phụ trách là kiệt, hẻm nên việc di chuyển cũng tốn khá nhiều công sức. Anh Minh cho hay, có nhiều kiệt, hẻm chỉ rộng khoảng 1,5 mét nên đưa xe vào kiệt và thu gom rác mất nhiều thời gian; có kiệt rộng thì người dân lại để xe bừa bãi. Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng bỏ rác đúng nơi và đúng giờ quy định, những lúc như vậy, anh kiên nhẫn đi thu gom thêm một vòng nữa để bảo đảm sạch rác.

Vất vả là vậy, nhưng anh Minh luôn quan niệm: thu nhập từ công sức lao động của mình làm ra là chân chính, còn nhặt được của rơi hay vật dụng của người khác thì không phải của mình và phải hoàn trả lại. Đầu tháng 1 này, khi nhặt được ví tiền trong quá trình làm việc tại ngã 4 Lê Thanh Nghị - 2 Tháng 9, anh đã lập tức liên hệ Xí nghiệp Môi trường Hải Châu để tìm lại chủ nhân của chiếc ví. “Trong ví có hơn 1 triệu đồng tiền mặt, một số thẻ ngân hàng và giấy tờ tùy thân, đặc biệt là bằng lái ô-tô, xe máy, cà vẹt xe. Thời điểm này gần tới Tết nên tôi nghĩ chủ nhân chiếc ví rất khó khăn khi cần giấy tờ tùy thân hay thẻ ngân hàng để rút tiền. Vì vậy, tôi nhanh chóng báo cho xí nghiệp để tìm người mất ví. Sau nhiều lần liên hệ thì cuối cùng chiếc ví đã quay lại với chủ nhân”, anh Minh kể.

Suốt 14 năm làm việc, anh Minh đã nhiều lần nhặt được ví tiền bị đánh rơi; có trường hợp anh gửi lại xí nghiệp tìm giúp, có trường hợp anh tự liên hệ lại người mất vì có số điện thoại ở trong ví. Đặc biệt vào năm 2012, anh Minh nhặt được chiếc ví có 4,5 triệu đồng tiền mặt, gấp 3 lần lương tháng của anh vào thời điểm đó nhưng sau khi xác minh thông tin, anh ngay lập tức trả lại người mất. Nhờ vậy, anh được nhận giấy khen gương “người tốt việc tốt” năm 2012 từ Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng.

Ông Tống Minh Trình, Đội trưởng Đội 4, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu chia sẻ, bản thân anh Minh đang nuôi 3 con nhỏ và vợ anh cũng là công nhân vệ sinh môi trường, kinh tế không dư giả gì. Không riêng anh Minh, nhiều công nhân khác của đội cũng nhặt được ví trong đó có số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Những công nhân này đều có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe không ổn định nhưng vẫn có hành động đẹp, không tham của rơi, trả lại người mất.

Có thể nói, việc nhặt được tiền, tìm người trả lại, giúp người cũng như giúp chính bản thân mình của các công nhân cho thấy công nhân môi trường không chỉ thầm lặng làm đẹp đường phố, mà còn nhân lên hình ảnh người Đà Nẵng chân chất, hiền hậu, góp phần tạo nên thành phố văn minh, thân thiện.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.