Nâng tầm cảnh quan bờ đông sông Hàn

.

Nâng tầm cảnh quan bờ đông sông Hàn để mang lại nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, kích thích phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ, trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc, riêng có là mong ước của người dân thành phố, đặc biệt người dân quận Sơn Trà suốt thời gian qua.

Một góc bờ đông sông Hàn. Ảnh: TRỌNG HUY
Một góc bờ đông sông Hàn. Ảnh: TRỌNG HUY

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố trước các kỳ họp HĐND thành phố, cử tri phường An Hải Tây đề nghị UBND thành phố sớm có kế hoạch đầu tư lắp đặt hệ thống lan can và lát gạch vỉa hè dọc bờ đông sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo (tương xứng với bờ tây sông Hàn) nhằm tạo cảnh quan và hạn chế nguy hiểm cho người dân khi đi thể dục cũng như đi dạo tại  khu vực này.

Trong khi đó, cử tri phường An Hải Đông đề nghị thành phố xem xét quy hoạch lại cảnh quan bờ đông sông Hàn, hạn chế nhà cao tầng, lùi những công trình xây dựng sát ven sông, xuống tận vịnh Mân Quang. Cử tri phường Nại Hiên Đông kiến nghị thành phố xem xét lại các công trình dự án dọc sông Hàn (đoạn từ đầu đường Trần Hưng Đạo giáp với đường Lê Văn Duyệt, che chắn ngăn cách mất hết tầm nhìn về phía sông Hàn, dự án để quá lâu không biết khi nào mới thực hiện, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Thực tế, trong tầm nhìn quy hoạch và phát triển, cảnh quan theo trục sông Hàn luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn từng được thành phố tổ chức thành cuộc thi để lựa chọn tác phẩm xuất sắc nhất. Theo đó, các tác phẩm phải thể hiện được tinh thần sông Hàn là tài sản thiên nhiên quý giá, nên việc tiếp cận quản lý, đầu tư phát triển đô thị phải được tôn trọng, gìn giữ. Cuối tháng 11-2023, Hội đồng Tư vấn kiến trúc thành phố tổ chức cuộc họp nghe Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp báo cáo phương án thiết kế đầu tư cảnh quan hai bên bờ sông Hàn (phía bờ đông). Nhiều chuyên gia là thành viên hội đồng bày tỏ quan điểm với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và sâu sắc.

Theo ông Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố, thành viên hội đồng, việc thiết kế hay quy hoạch cảnh quan dọc bờ đông sông Hàn cần gắn với các yếu tố lịch sử vùng bờ đông nói riêng và cả sự phát triển thành phố nói chung để tạo nên nét đặc trưng riêng có của Đà Nẵng. Ông Hùng cho rằng, các hoạt động du lịch gắn liền với các cây cầu như xem rồng phun lửa tại cầu Rồng phần nào vẫn còn chưa có tổ chức, chưa có kịch bản, chen lấn đông đúc và giao thông tắc nghẽn. Do đó, cần có tổ chức về không gian cảnh quan để tổ chức kịch bản cho câu chuyện tham quan du lịch.

Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) Nguyễn Anh Tuấn, thành viên hội đồng, cho rằng thiết kế, quy hoạch cảnh quan dọc theo bờ đông sông Hàn cần nghiên cứu đến việc kể một câu chuyện thành phố Đà Nẵng dọc theo tuyến cảnh quan này. Tức là lồng ghép lịch sử, văn hóa hay những nét đặc trưng của Đà Nẵng bằng một câu chuyện xuyên suốt, tạo nên bản sắc cho khu vực, không bị nhầm lẫn, không lặp lại ở nơi khác.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố Bùi Huy Trí cho rằng, cần quan tâm đến người dân hoạt động kinh doanh dịch vụ (hộ bán hàng), kể cả sau này đi vào tổ chức quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải bảo đảm không gian để người dân có thể buôn bán, kinh doanh, đồng thời tạo nên sự hấp dẫn, nhộn nhịp cho khu vực này. Ông Hồ Phước Phương,  thành viên hội đồng cho rằng, các yếu tố văn hóa - lịch sử, các câu chuyện kể,... cần được nghiên cứu để lồng ghép đưa vào các không gian đặc trưng, như là khu vực Nại Hiên Đông.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất, việc thiết kế hay quy hoạch cảnh quan bờ đông sông Hàn nhất thiết không được xâm lấn xuống dòng sông. Việc lấn sông phải có giải pháp hợp lý, tránh trường hợp đóng cọc, đổ đất hay xây kè.

Theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kiến trúc thành phố, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ, có giải trình, làm rõ những điều chỉnh, bổ sung đối với ý kiến của các thành viên hội đồng. Về tổng thể, cần nghiên cứu dự án này trong dự án “Dòng sông ánh sáng” để tránh xung đột. Dự án có khối lượng tương đối lớn, lưu ý từng hạng mục phải có nội dung thiết kế riêng. Đối với cầu đi bộ qua đường, đề nghị nghiên cứu vị trí thích hợp và có giải pháp thiết kể phù hợp với cảnh quan. UBND thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ tiếp thu giải trình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, trình UBND thành phố thông qua phương án.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.