Niềm vui của dân khi được hỗ trợ điện thoại thông minh

.

Nhằm giúp hộ nghèo, gia đình chính sách tiếp cận công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống cũng như đáp ứng lộ trình tắt sóng 2G theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ dân.

Hỗ trợ điện thoại thông minh nhằm giúp người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng định hướng phát triển. Trong ảnh: Nhân viên Viettel Đà Nẵng hỗ trợ các hộ dân làm thủ tục đăng ký thuê bao di động sau khi hỗ trợ điện thoại thông minh. Ảnh: M.Q
Hỗ trợ điện thoại thông minh nhằm giúp người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng định hướng phát triển. TRONG ẢNH: Nhân viên Viettel Đà Nẵng hỗ trợ các hộ dân làm thủ tục đăng ký thuê bao di động sau khi hỗ trợ điện thoại thông minh. Ảnh: M.Q

Đưa công nghệ đến gần hộ nghèo

Hơn 3 tháng từ khi được hỗ trợ điện thoại thông minh, ông Đinh Văn Hiu (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) vẫn chưa hết vui mừng. Trước đây, ông phải nhờ hàng xóm, người thân kết nối mọi thông tin, chính sách. Hiện tại, ông Hiu chủ động liên lạc với mọi người, xem tin tức trong nước, quốc tế bằng điện thoại. Tương tự, mấy tháng nay, bà Nguyễn Thị Thảo (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) không còn phải nhờ hàng xóm thông tin lại khi tổ dân phố hay phường có thông báo mới, do được hỗ trợ điện thoại thông minh.

“Tôi là mẹ đơn thân với công việc không ổn định, còn phải nuôi con nhỏ bị bệnh nên chưa bao giờ nghĩ tới mua điện thoại thông minh. Mấy tháng trước khi phường yêu cầu định danh điện tử, tôi không hiểu và cũng không biết làm thế nào vì lâu nay không sử dụng điện thoại thông minh. May mắn sau đó được chính quyền các cấp hỗ trợ điện thoại nên tôi đã hoàn thành thủ tục định danh, bên cạnh đó, tôi có thể liên lạc với mọi người xung quanh, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn”, bà Thảo cho biết.

Ông Hiu và bà Thảo là 2 trong 100 hộ dân được trao tặng điện thoại thông minh từ chương trình “trao tặng điện thoại thông minh” do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) triển khai trong tháng 9 và 10-2023 cho các hộ gia đình đồng bào Cơ tu và hộ gia đình chính sách, thanh niên khuyết tật trên địa bàn. Bên cạnh đó, các hộ này cũng được tặng kèm 1 sim Viettel và hỗ trợ đăng ký thông tin thuê bao; hỗ trợ dung lượng 3G, miễn phí các cuộc gọi nội mạng Viettel thời lượng dưới 10 phút; miễn phí 30 phút gọi ngoại mạng Viettel/30 ngày…

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thông tin, xã có 262 hộ gia đình đồng bào Cơ tu và trước khi triển khai chương trình thì có hơn 50 hộ chưa có điện thoại thông minh. Xã và các đơn vị đồng hành đã thực hiện tổng cộng 3 đợt trao quà với tổng 50 điện thoại thông minh, qua đó giúp người dân tiếp cận các dịch vụ, tiện ích chuyển đổi số, đồng thời tiếp nhận kịp thời thông tin, hướng dẫn từ chính quyền, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Mới đây, UBND phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cùng Tổng Công ty Viễn thông Mobifone trao 40 chiếc điện thoại thông minh cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, đồng thời hỗ trợ người dân khu vực thay sim 4G miễn phí trong chương trình “Hội nghị triển khai hoạt động chuyển đổi số” vào tháng 12-2023.

Tiếp tục hỗ trợ người dân

Theo Công văn số 3095/BTTTT-CTS ngày 31-7-2023 của Bộ TT&TT thông báo quy hoạch các băng tần: 900, 1.800, 2.100MHz và nguyên tắc về việc duy trì mạng 2G, 3G sau tháng 9-2024. Theo đó, đến tháng 9-2024, sẽ không còn thuê bao chỉ sử dụng mạng 2G. Bộ TT&TT cho phép doanh nghiệp viễn thông duy trì mạng 2G đến tháng 9-2026 để bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ được duy trì cho thuê bao 3G, 4G chưa có tính năng gọi thoại theo công nghệ VoLTE (tiêu chuẩn truyền thông băng rộng không dây) sử dụng để thực hiện cuộc gọi và nhắn tin. Như vậy, yêu cầu “phổ cập” điện thoại thông minh cho người dân ngày càng cấp thiết khi Bộ TT&TT đã có lộ trình quy hoạch băng tần, phục vụ phát triển các công nghệ mới.

Qua thống kê của Sở TT&TT thành phố, tính tới tháng 12-2023, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tại Đà Nẵng đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh 105 máy/100 dân; hơn 98,7% hộ gia đình có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 3.800 hộ chưa có điện thoại thông minh.

Để hỗ trợ các hộ dân khó khăn, ông Trần Đình Quang, Phó Giám đốc Viettel Đà Nẵng cho hay, bên cạnh hỗ trợ điện thoại thông minh, Viettel còn bố trí nhân lực giúp người dân các kỹ năng cơ bản sau khi được hỗ trợ điện thoại như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các ứng dụng dùng chung của thành phố và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên điện thoại thông minh. Viettel Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với chính quyền thành phố để đưa công nghệ tới gần người dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, thời gian qua, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt hệ thống hạ tầng viễn thông phủ sóng khắp nơi trên địa bàn. Hiện 100% hộ gia đình đã kết nối Internet cáp quang băng rộng; mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu dân cư. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình và thực hiện mục tiêu: mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang theo Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28-10-2022 của Bộ TT&TT quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Bên cạnh đó, sở đã có Công văn số 2042/STTTT-CNTT ngày 24-8-2023 báo cáo số lượng và đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để rà soát, triển khai kế hoạch hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân, hướng tới mục tiêu 100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh.

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.