Truyền cảm hứng cho học trò bất hạnh

.

Có hoàn cảnh gia đình kém may mắn, một bàn tay bị co quắp và phải ngồi xe lăn, nhưng anh Trương Tấn Dũng (SN 1982), nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, cơ sở Thanh Khê nỗ lực vươn lên, trở thành người truyền cảm hứng cho học trò bất hạnh.

Không đầu hàng số phận

Anh Dũng quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Năm 3 tuổi, sau cơn sốt nặng, một bàn tay của anh co quắp, đôi chân bị liệt phải ngồi xe lăn. Năm 10 tuổi, mẹ qua đời, ba bỏ đi, Dũng và hai người em ruột được đưa về nhà bà ngoại. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, ngoại chỉ đủ sức lo hai người em lành lặn của Dũng đến trường. “Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi. 10 tuổi, còn quá nhỏ để tôi hình dung ra những khó khăn, thử thách mình sẽ đón nhận. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đầu hàng số phận. Tôi luôn cố gắng, nỗ lực sống tốt mỗi ngày, hướng đến những điều tích cực trong tương lai”.

Anh Dũng quan niệm, khi tay chân không thể lao động, chỉ có tri thức mới giúp có cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Vì thế, không bao giờ anh từ bỏ cơ hội được học. May mắn khi cán bộ địa phương biết câu chuyện của anh, tìm đến nhà vận động theo học trong một chiến dịch xóa mù chữ cho cộng đồng. Học hết cấp 3, hiểu rõ về đôi chân và gia cảnh của mình, anh Dũng theo học công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vì không có tiền, anh không thi đại học mà đi làm nhiều nghề như bán vé số, bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch, bảo tàng...

Dành dụm được một khoản tiền nhỏ, anh đăng ký theo học khóa tin học căn bản ở một trung tâm tại Đà Nẵng. Sau khi "tốt nghiệp", anh tiếp tục dành chút tiền còn lại mua một máy tính cũ về nhà tự mày mò kiến thức tin học thiết kế, lập trình cơ bản. Năm 2008, bước ngoặt cuộc đời đến với Dũng khi lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố biết câu chuyện giàu nghị lực và nhận anh vào giảng dạy tại trung tâm. Bên cạnh dạy tin học, anh còn dạy vẽ, hát cho trẻ em nhiễm chất độc da cam.

Người truyền cảm hứng

Buổi sáng một ngày đầu tuần, trong căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn Văn Huề, anh Dũng chăm chú nắm tay, hướng dẫn một em học sinh nhiễm chất độc da cam cách tô màu. Nói ú ớ không thành lời, các học trò với đôi tay không lành lặn vẫn tì chặt cây bút, chốc lát thả xuống ngẩng đầu cười sằng sặc. Tuy nhiên, anh vẫn kiên nhẫn, tỉ mỉ hướng dẫn đến khi những vệt màu sinh động do học trò vẽ hiện ra trên trang giấy trắng. Hơn 15 năm qua, đều đặn mỗi ngày, người thầy tật nguyền ấy lại cần mẫn trên chiếc xe lăn, vượt gần chục km để truyền cảm hứng cho những học trò bất hạnh.

Tại trung tâm, mỗi em có một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau. Hầu hết các em đều gặp vấn đề trong giao tiếp và sức khỏe, thái độ ứng xử chưa được hoàn thiện nên việc dạy dỗ, chăm sóc cho các em rất vất vả. “Các em phần lớn bị thiểu năng trí tuệ, chậm tiếp thu nên mình phải kiên nhẫn, chiều chuộng, khích lệ. Bản thân là người khuyết tật, tôi hiểu rõ những thiệt thòi của người đồng cảnh ngộ. Vì thế, tôi luôn muốn mọi người cùng đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Khi yêu thương được sẻ chia, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn nhiều”, anh Dũng thổ lộ.

Công việc vất vả, nhưng anh Dũng chưa hề có ý định từ bỏ. Hiện anh đã lập gia đình, cùng vợ con sống trong ngôi nhà trên đường Phạm Như Xương. Trong tương lai, anh mong muốn tiếp tục được gắn bó với học trò bất hạnh. Niềm vui mỗi ngày của anh là được trao yêu thương, chỉ bảo những điều hay, lẽ phải cho các em kém may mắn. Hơn hết, anh muốn truyền cảm hứng không chỉ cho học trò, mà cho tất cả những người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên không phụ thuộc vào gia đình quá nhiều.

Nói về anh Dũng, bà Võ Thị Thu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố bày tỏ sự khâm phục: “Dũng là người thầy đặc biệt, tâm huyết và đầy nhiệt tình. Điều đáng quý là anh biết vượt qua những khó khăn, bất hạnh, chia sẻ với các em cùng cảnh ngộ. Đó là tấm gương sáng “tàn nhưng không phế” để tất cả mọi người noi theo”.

THÀNH DANH

;
;
.
.
.
.
.