Bảo đảm trật tự đô thị dịp cận Tết

.

Càng gần Tết Nguyên đán, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… các địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, kết hợp tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lực lượng chức năng quận Sơn Trà xử lý các trường hợp bán hàng rong khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: TRẦN TRÚC
Lực lượng chức năng quận Sơn Trà xử lý các trường hợp bán hàng rong khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: TRẦN TRÚC

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gia tăng

Qua ghi nhận thực tế tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bán hàng rong đang có chiều hướng gia tăng dịp cuối năm. Đơn cử, xung quanh chợ Cẩm Lệ (đường Hồ Đắc Di giao Đặng Văn Ngữ), có nhiều người dân bày biện rau, củ, quả, hải sản ngay dưới lòng đường để buôn bán. Vì vậy, khách hàng cũng dừng xe ngay dưới đường để mua hàng, gây nên tình trạng mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường.

Tương tự, vào cuối giờ chiều tại tuyến đường Lê Tấn Trung (đoạn gần chợ Chiều, quận Sơn Trà), có nhiều người đậu xe ra giữa đường, chiếm diện tích mặt đường gây nên tình trạng kẹt xe. Trong khi đó, hai bên đường Cù Chính Lan gần chợ Thanh Khê, người dân bày bán hàng hóa, thực phẩm lấn chiếm vỉa hè, dựng quầy hàng ngay sát lòng đường, gây khó khăn cho phương tiện giao thông đi lại; tại tuyến đường Võ Văn Tần (quận Thanh Khê), một số hộ còn bán hàng rong và dựng xe đẩy hàng ngay dưới lòng đường.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng tái diễn tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Tại các tuyến đường xung quanh chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), nhiều người kinh doanh đã tận dụng vỉa hè, lấn ra khỏi vạch kẻ dành cho người đi bộ và ngay cả dưới lòng đường để buôn bán. Vào giờ tan tầm chiều, tuyến đường Hoàng Diệu (đoạn gần chợ Mới, quận Hải Châu) càng trở nên lộn xộn và kẹt xe hơn bởi các hộ bán hàng rong dưới lòng đường. Thậm chí, một số người dân còn dừng xe để mua hàng, tạo khung cảnh hết sức lộn xộn.

Dù lực lượng quy tắc đô thị và chính quyền địa phương thường xuyên xử lý tình trạng chiếm dụng lòng lề đường buôn bán, thu giữ nhiều hàng hóa, bảng hiệu; nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi, hộ kinh doanh lại tiếp tục lấn chiếm buôn bán trở lại. Mặt khác, tại các tuyến đường như Lê Độ, Hùng Vương, Trần Cao Vân, Ông Ích Đường, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Thọ, Tôn Đức Thắng,… nhiều cửa hàng bán tạp hóa, hàng ăn, đồ gia dụng còn đặt bảng hiệu kinh doanh cũng lấn chiếm vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ngoài ra, tình trạng người bán sử dụng xe đẩy để làm quầy hàng bán hàng rong lưu động dưới lòng đường gây cản trở giao thông xuất hiện phổ biến hơn tại các tuyến đường đông người tham gia giao thông.

Quyết liệt xử lý

Trước tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tái diễn và có xu hướng gia tăng dịp cuối năm, UBND các quận Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiểu… đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp cùng UBND các phường phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra, giám sát, quản lý trật tự đô thị trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tập trung xử lý các trường hợp vi phạm và tuyên truyền có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho biết: “Là địa bàn trọng điểm về du lịch của thành phố, do đó, đội cùng UBND các phường triển khai, phối hợp đồng bộ để kiểm tra, xử lý tình trạng đeo bám, chèo kéo khách, bán hàng rong trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, tập trung các tuyến đường có quy định cấm bàn hàng rong như đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…; các khu vực khách du lịch hay tập trung như cầu Sông Hàn, khu vực cầu Rồng và các trường hợp dắt theo trẻ em lang thang xin ăn, biến tướng. Cùng với đó, xử lý kịp thời các điểm tự phát trông, giữ xe trái phép; để mô-tô, xe gắn máy ở lòng đường, trên vỉa hè trái quy định của pháp luật; buôn bán hoa, cây cảnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường”.

Trong năm 2023, tại quận Liên Chiểu, Đội Quy tắc đô thị quận cùng UBND các phường đã tạm giữ và xử lý nhiều tang vật, gồm: 1.761 bảng hiệu; 312 pano, áp phích, băng rôn; 117 dù che, bạt che; xử lý, nhắc nhở 586 trường hợp hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, buôn bán hàng rong và thu giữ nhiều vật dụng như dù, kệ, rau, củ. Dịp này, quận Liên Chiểu kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán; kiên quyết xóa chợ tạm, chợ tự phát; kiểm tra việc thực hiện treo biển hiệu, biển quảng cáo lên tường nhà nhằm xóa bỏ tình trạng để biển hiệu lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ.

Trong khi đó, tình trạng nhóm họp chợ tạm, chợ cóc tại quận Hải Châu cơ bản đã được xử lý theo quy chế ký kết phối hợp giữa UBND phường và Ban Quản lý chợ đứng chân trên địa bàn. Trong năm 2023, Đội Quy tắc đô thị và UBND 13 phường đã nhắc nhở 825 trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý vi phạm hành chính; tham mưu UBND quận Hải Châu ban hành 783 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trật tự đô thị.

Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, trên địa bàn tập trung nhiều chợ, các tuyến đường chính, điểm thu hút du khách tham quan, khu vực trọng điểm của thành phố. Vì vậy, quận tập trung xử lý triệt để tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại các điểm tham quan mua sắm; tăng cường kiểm tra, ghi hình đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực trật tự vỉa hè; xử lý nhanh chóng các thông tin phản ánh qua phần mềm “Đô thị thông minh Hải Châu”, không để phát sinh thêm các điểm nóng và phức tạp. Ngoài ra, các lực lượng sẽ tiến hành thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra trên những tuyến đường trọng điểm dịp Tết như Bạch Đằng, Trần Phú, Hùng Vương, đường 2 Tháng 9…; các khu vực chợ, chợ hoa Xuân khu vực Cung Thể thao Tiên Sơn, chợ Đầu mối Hòa Cường; các điểm tham quan mua sắm phục vụ du khách như Công viên APEC, chợ Hàn, Nhà thờ Chánh tòa…

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.