Đa dạng việc làm sau Tết

.

Sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, người lao động rục rịch tìm việc, đổi việc. Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch việc làm diễn ra, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Người lao động có nhu cầu tìm việc sau Tết. Ảnh: KHÁNH NGÂN
Người lao động có nhu cầu tìm việc sau Tết. Ảnh: KHÁNH NGÂN

Cơ hội việc làm cho người lao động

Ngày 15-2 (tức mồng 6 tháng Giêng), hầu hết các công ty quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng tiếp đón nhiều người lao động tìm việc. Trên tay là bộ hồ sơ xin việc, anh Võ Thành Trung (40 tuổi, quận Hải Châu) đến trung tâm từ rất sớm. Anh Trung cho biết: “Tôi từng làm công việc liên quan đến kỹ thuật phần mềm với mức lương 5 triệu đồng. Do hết thời hạn hợp đồng nên tôi nghỉ việc từ tháng 11 năm ngoái. Sau đó, tôi có thử việc tại một số nơi nhưng chưa phù hợp. Hiện tại, tôi mong muốn có một công việc ổn định để trang trải cuộc sống”.

Vừa trải qua giai đoạn thất nghiệp hơn 6 tháng, sau kỳ nghỉ Tết, chị N.T.L (30 tuổi, quê Gia Lai), ở trọ tại đường Phan Thanh (quận Thanh Khê), hối hả đến trung tâm để tìm việc. Chị L. từng làm nhân viên kinh doanh cho công ty nước ngoài, sau dịch, công ty rút khỏi Việt Nam, chị phải nghỉ việc đến tận hôm nay. “Tôi muốn tìm một công việc về tư vấn, môi giới bất động sản hoặc kinh doanh bán hàng gia dụng…

Công việc nào cũng được, miễn là thu nhập ổn định và có thời gian cho gia đình”, chị L. chia sẻ. Tương tự, anh H.H (29 tuổi, quận Thanh Khê) cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Anh H. cho biết: “Tôi làm truyền thông tại một công ty media từ năm 2014. Đến cuối năm 2019, do dịch bệnh nên công ty cắt giảm nhân sự. Từ đó đến nay, tôi “nhảy việc” 4 lần vì mức lương chưa phù hợp theo nguyện vọng”.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng liên tục. Theo đó, các đơn vị sẵn sàng “phỏng vấn đi làm ngay”, “tuyển dụng làm ngay sau Tết” với mức lương giao động 6-8 triệu đồng/tháng với  các công việc liên quan đến quản lý nhân sự, chuyên viên truyền thông, nhân viên kinh doanh… Theo quan sát, công tác tuyển dụng trực tuyến giúp người lao động rút ngắn thời gian tìm kiếm việc. Đặc biệt, giải quyết các nhu cầu về việc làm với các đối tượng: sinh viên tốt nghiệp, người lao động thất nghiệp, lao động có tuổi tìm việc làm thêm…

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho hơn 350 người lao động; tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại 3 văn phòng của trung tâm; kết nối với hơn 190 doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động như: Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tuyển 500 người; Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam tuyển 230 người; Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tuyển 200 người. Ngày 20-2, tại chương trình gặp mặt quân nhân xuất ngũ ở các quận, huyện, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng tiến hành tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.300 quân nhân. Qua đó, tạo nguồn lao động chất lượng cao, làm việc hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng Nguyễn Thanh Diệp cho biết, ngoài việc tổ chức phiên giao dịch việc làm đồng thời tại 3 cơ sở, thời gian qua, trung tâm còn chủ động kết nối, gửi thông tin việc làm, tuyển dụng đến từng tổ dân phố, khu dân cư, các hội đoàn thể trên địa bàn các quận, huyện. Đồng thời, phối hợp với các trường ĐH, CĐ và các quận, huyện tổ chức phiên giao dịch di động giúp cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Vừa qua, trung tâm kết nối với các xã như: Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) …để mở rộng các điểm giao dịch việc làm trực tuyến. Tại phiên giao dịch việc làm vào thứ 6 hằng tuần, các trụ sở của phường, xã đều đồng loạt kết nối trực tuyến với trung tâm. Ngoài ra, người lao động có thể đến phường, xã để tham gia phỏng vấn online với các doanh nghiệp tại sàn giao dịch nếu có nhu cầu.

“Đến nay, trung tâm đã kết nối với 53 đơn vị với 3.509 vị trí tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm vào thứ 6 hằng tuần. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục chủ động trong công tác tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng thông qua nhiều kênh; phối hợp với tổ dân phố, phường, xã, các hội đoàn thể... tư vấn 100% các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học nghề với người lao động có nhu cầu”, ông Diệp nói.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, qua nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp, phần lớn, các đơn vị đều có chính sách giữ chân người lao động, hạn chế cho người lao động nghỉ việc với số lượng lớn.

“Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 25.000 doanh nghiệp, với hơn 320.000 người lao động, trong đó, có 524 doanh nghiệp, dự án hoạt động trong Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp với hơn 59.111 người (chiếm 18,43%) so với tổng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trao đổi với công đoàn cơ sở để rà soát hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng nhằm thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”, ông Hoàng nói.

KHÁNH NGÂN

 

;
;
.
.
.
.
.