Thực trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề mà các ngành chức năng quan tâm triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhiều học sinh còn đi xe máy phân khối lớn đến trường. Ảnh: GIA MINH |
Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 1.495 trường hợp là học sinh vi phạm bị phát hiện, lập biên bản xử lý; lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố đã phát hiện, xử lý 1.495 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển mô-tô, xe gắn máy chiếm khá cao; còn lại là các lỗi không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm…
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, nhất là không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, hoặc điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe. Đây là những nguyên nhân chính khiến nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh xảy ra gần đây.
Tại hội nghị chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh diễn ra vào tháng 11-2023, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, với số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên toàn ngành gần 300.000 người nên công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Riêng với cấp THPT, ngành giáo dục đã tổ chức giảng dạy về an toàn giao thông lồng ghép ở các môn học chính khóa và ngoại khóa theo tài liệu giáo khoa do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và giáo trình giảng dạy “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.
Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho phụ huynh học sinh, học viên ký cam kết về việc không giao mô-tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe (đối với học sinh bậc THPT); không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế nhiều trường vào giờ tan học, không khó bắt gặp học sinh vi phạm các quy định pháp luật về giao thông như điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, đi xe gắn máy ngược chiều, tụ tập thành từng nhóm đi hàng ngang vui đùa dưới lòng đường, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu...
Theo Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông, nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền một số địa phương cũng như nhà trường chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, nhất là đua xe, lạng lách, đánh võng… tác động lớn đến lứa tuổi học sinh, nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Một nguyên nhân nữa là bất cập về tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học chưa được khắc phục; việc quản lý chất lượng một số loại phương tiện và hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh còn thiếu chặt chẽ. Trong khi đó, theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, mô-tô, không đội mũ bảo hiểm, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, nhất là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Song song đó, việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra như ùn tắc giao thông vào giờ đến trường, tan học; tình trạng phụ huynh đưa, đón con đến trường cũng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông...
Ngoài ra, việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT còn chưa hiệu quả, một bộ phận còn thiếu trách nhiệm dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường. Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái; ba mẹ chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT khi tham gia giao thông, dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em… Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý những trường hợp học sinh vi phạm; xử phạt cả những phụ huynh cố tình đưa xe máy có phân khối lớn cho học sinh tham gia giao thông; đồng thời tuyên truyền các hộ xung quanh trường không được giữ xe gắn máy cho học sinh...
GIA MINH