Ngày 7-3, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty Tetra Tech ARD hỗ trợ, tổ chức hội thảo về nâng cao năng lực trong công tác lập quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, triển khai nội dung Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đang lập quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Thời gian qua, các chuyên gia tham gia Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) đã hỗ trợ, đề xuất nhiều giải pháp, góp phần giúp thành phố hoàn thiện nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch quản lý chất thải rắn. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thành phố nâng cao năng lực trong công tác lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, giúp nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch này.
Tại hội thảo, với quan điểm lập quy hoạch quản lý chất thải rắn là công việc và nhiệm vụ mang tính địa phương, các chuyên gia đề nghị thành phố chú trọng xây dựng giải pháp quản lý chất thải rắn ngay tại nguồn như bổ sung hộc tại nhà bếp để đặt thùng xử lý rác hữu cơ thành phân compost, nước tẩy rửa vào thiết kế khi cấp phép xây dựng nhà ở, căn hộ; bổ sung phòng tập kết, lưu chứa rác tại các khu chung cư hoặc điểm tập kết rác và thu gom, xử lý chất thải hữu cơ tại khu dân cư...
Thành phố cũng cần có chính sách thúc đẩy thị trường rác với loại rác có khả năng tái chế như: kim loại, giấy, nhựa... để phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm khối lượng rác đưa vào lò đốt hoặc bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, tính toán quy mô khu xử lý chất thải rắn phù hợp với tốc độ tăng dân số và khách du lịch, quy hoạch bãi chôn lấp ở vị trí khác trong tương lai...
HOÀNG HIỆP