Những năm qua và từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thiên tai, thời tiết và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sinh hoạt, cấp cho các hoạt động kinh tế đã, đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi, đòi hỏi công tác ứng phó với các loại hình thiên tai cần phải được chủ động hành động từ sớm, từ xa để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Điều kiện thời tiết và nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. TRONG ẢNH: Mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch thường hay hạ thấp trong thời gian qua gây lo ngại thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: H.H |
Dự báo mưa bão năm nay diễn biến phức tạp
Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố thấp hơn, chỉ đạt khoảng 20-45% so với mức trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (Quảng Nam) thiếu hụt tương đối so với trung bình nhiều năm khoảng 30-40%; trong đó, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa hạ thấp ở mức 1,41m vào ngày 26-2-2024, ngang với mực nước thấp nhất lịch sử trong chuỗi dữ liệu quan trắc được. Dự báo từ nay đến cuối mùa cạn 2024, lượng mưa sẽ thiếu hụt 35-60% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông thiếu hụt 20-40% so với trung bình nhiều năm; tình trạng xâm nhập mặn gia tăng, có khả năng xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Từ tháng 5 tháng 7-2024, thời tiết có khả năng chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina. Do đó, mùa mưa bão năm nay tại thành phố Đà Nẵng có nguy cơ diễn biến phức tạp. Bão xuất hiện nhiều trên Biển Đông và có nguy cơ xuất hiện những cơn bão rất mạnh, gây ảnh hưởng đến thành phố. Do đó, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân cần theo dõi sát diễn biến của khí tượng, thủy văn thông qua các bản tin dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất...
Đồng thời, chuẩn bị các giải pháp công trình, phi công trình, kế hoạch sản xuất, ứng phó phù hợp để bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, môi trường, phòng chống thiên tai, phòng chống cháy rừng... Công tác ứng phó với các loại hình thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu đòi hỏi phải hành động sớm và có sự chung tay, chủ động ứng phó từ mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, tổ chức... “Ngành khí tượng thủy văn sẽ dự báo sớm, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai, thời tiết để có thời gian chuẩn bị, chủ động ứng phó, phòng tránh, làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, ông Phạm Văn Chiến chia sẻ.
Trưởng Phòng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Hải cảnh báo, qua thông tin dự báo ngắn hạn, dài hạn của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và qua theo dõi thực tiễn những năm gần đây, chúng tôi thấy rằng, năm 2024 có thể xảy ra chu kỳ lặp lại mưa lũ lớn năm Giáp Thìn 1964 ở miền Trung. Hơn nữa, sau hạn hán và ảnh hưởng của El Nino, thường hay xảy ra mưa lũ rất lớn, cực đoan. Trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, công tác phòng chống thiên tai cần chủ động, từ sớm, từ xa, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Hoàn thành sớm nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước
Một điểm nổi bật trong công tác ứng phó thiên tai từ sớm, từ xa của thành phố trong thời gian qua là rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó với đợt mưa cực đoan gây ngập lụt trên diện rộng vào ngày 14-10-2022, năm 2023, thành phố đã triển khai đợt nạo vét, khơi thông cống và cửa thu nước mưa trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, huy động các lực lượng nhanh chóng cơ động về các địa bàn trọng điểm về ngập úng hỗ trợ nhân dân kê cao, di chuyển tài sản và sơ tán nhân dân đến nơi cao ráo an toàn. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà năm 2024, sở chủ động chuẩn bị triển khai công tác nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước ngay từ quý 1.
Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương tổng hợp, báo cáo lại để sở xây dựng bản đồ phục vụ công tác nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước toàn thành phố. Điểm mới của năm nay là nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước theo hướng thoát liền mạch, liên thông. Một điểm mới nữa là các cửa thu nước mưa trên mặt đường đã được phâm cấp cho các phường, xã quản lý, tuần tra, khơi thông..., nên địa phương và nhân dân cùng chung tay nạo vét, khơi thông, bảo vệ, không trám, lấp, bịt, che chắn các cửa thu nước này. “Sở Xây dựng sẽ tập trung tham mưu UBND thành phố chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị, địa phương hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước ngay từ giữa tháng 8-2024, trước khi bắt đầu mùa mưa bão để chủ động ứng phó từ sớm, từ xa”, ông Võ Tấn Hà nói.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Nguyễn Đăng Huy cho rằng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và thiên tai, cùng với các giải pháp hành động sớm và ứng phó từ xa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ban, ngành của thành phố và tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước; công tác vận hành các hồ, đập, công trình phòng chống thiên tai... để chủ động điều chỉnh, điều hành và đề xuất đắp đập tạm tại sông Quảng Huế khi cần thiết. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm xử lý ổn định lòng dẫn sông Quảng Huế, nâng cấp hệ thống đập dâng An Trạch, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành các hồ chứa...
HOÀNG HIỆP