Đà Nẵng huy động nguồn lực hướng đến đô thị sinh thái, thành phố biển đáng sống

.

Thành phố Đà Nẵng huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, qua đó địa phương nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý về môi trường. Đà Nẵng đang hướng đến trở thành đô thị sinh thái, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Một hoạt động bảo vệ môi trường đáng chú ý sau ngày giải phóng là đoàn viên, thanh niên cùng các lực lượng của thành phố đã ra quân tổng dọn bãi rác khổng lồ ở khu vực trung tâm và cải tạo trở thành công viên mang tên ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng: công viên 29 Tháng 3. Là thành phố thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai nên công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn quá ít nên việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, hạ tầng môi trường trước năm 1997 còn hạn chế.

Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vào tháng 4-1999, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí hơn 41 triệu USD. Sau khi hoàn thành dự án nói trên, năm 2008, thành phố triển khai dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 218 triệu USD từ nguồn vốn ODA của WB và vốn đối ứng trong nước, trong đó có các hạng mục cơ sở hạ tầng môi trường. Cũng trong năm 2008, UBND thành phố ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Năm 2013, thành phố triển khai dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với tổng nguồn vốn hơn 272 triệu USD gồm 5 hợp phần, trong đó có hợp phần Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm đẩy mạnh, tập trung giải quyết rốt ráo các vấn đề môi trường, mang đến môi trường sống trong lành cho người dân trên địa bàn và du khách, từ năm 2016, thành phố thực hiện chuyên đề tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường gồm 13 điểm gây ô nhiễm môi trường cần tập trung giải quyết với tổng kinh phí 4.382 tỷ đồng. Năm 2020, thành phố đã hoàn thành xử lý 4/4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo yêu cầu của Chính phủ. Đến năm 2021, thành phố đã cơ bản hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xử lý 13 điểm ô nhiễm môi trường nói trên.

Năm 2021, UBND thành phố phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với những ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm và kiểm soát tốt chất lượng môi trường để đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu đặt ra. Đồng thời, thành phố có lộ trình thực hiện đến năm 2030 theo hướng xây dựng đô thị sinh thái với mục tiêu thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng sinh thái.

Tháng 11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển đến năm 2030 là thành phố trở thành đô thị sinh thái, thành phố đáng sống; tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái… và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Dù đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường trong những giai đoạn trước, song những năm gần đây, thành phố vẫn dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, chi kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm rất lớn. Riêng trong năm 2022, thành phố chi đến 1.643 tỷ đồng, tương ứng 84% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường của 15 tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên (1.955 tỷ đồng).

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho rằng, bên cạnh dành nguồn lực lớn đầu tư, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, thành phố đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Chất lượng môi trường nhìn chung cơ bản tốt, được cộng đồng trong nước, quốc tế công nhận là thành phố xanh, sạch, đẹp; thành phố đáng sống; qua đó, nhiều giải thưởng, chứng nhận trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được trao cho Đà Nẵng.

Đặc biệt, năm 2022 và 2023, thành phố liên tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp dẫn đầu toàn quốc về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI)… Thời gian đến, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, trong đó chú trọng thực hiện nhóm giải pháp trọng tâm là phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; quản lý môi trường nước, đất, không khí; từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường năng lực ứng phó sự cố môi trường tại chỗ...

Đồng thời, thành phố tiếp tục tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và tăng cường kêu gọi xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn thu phí môi trường, nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm…

NAM TRÂN

;
;
.
.
.
.
.