Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố, các địa phương gặp mặt, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo để nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ để hỗ trợ thoát nghèo hiệu quả.
Đối thoại với hộ nghèo là dịp chính quyền lắng nghe tiếng nói của hộ nghèo; đồng thời phổ biến các chính sách, giải pháp hỗ trợ đến hộ nghèo. TRONG ẢNH: Ban Chỉ đạo giảm nghèo phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) đối thoại với hộ nghèo năm 2024. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Rõ nguyên nhân, hiểu nhu cầu
Đầu tháng 3-2024, ban chỉ đạo giảm nghèo các phường trên địa bàn quận Thanh Khê, quận Hải Châu tổ chức gặp mặt, đối thoại với hộ nghèo. Trong buổi đối thoại với hộ nghèo do UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) tổ chức, ông Trần Hữu Tẩn (SN 1973, trú tổ 17) bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ xây nhà mới để an cư.
“Căn nhà cấp 4 hiện tại đã xuống cấp nặng, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột ướt. Gia đình tôi làm nghề bán quần áo cũ nên rất cần có ngôi nhà mới kiên cố, ổn định để yên tâm làm ăn, buôn bán”, ông Tẩn giãi bày. Trong khi đó, bà Kỳ Thị Song (SN 1951, trú tổ 3) lớn tuổi, thường xuyên đau ốm, không có việc làm ổn định. “Mong muốn lớn nhất của tôi là được hỗ trợ xe máy để con trai chạy xe ôm công nghệ, có thu nhập lo cho gia đình”, bà Song chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, toàn phường hiện có 59 hộ nghèo, trong đó 38 hộ còn sức lao động. Qua đối thoại, 8 hộ cần hỗ trợ sinh kế, 2 hộ có nhu cầu vay vốn làm ăn, 1 hộ cần xây nhà mới và 11 hộ cần sửa chữa nhà. “Căn cứ nhu cầu của từng hộ, Ban chỉ đạo giảm nghèo phường khảo sát thực tế và tiến hành hỗ trợ những nhu cầu chính đáng, phù hợp, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên”, ông Hoàng cho biết.
UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cũng hoàn tất công tác đối thoại hộ nghèo năm 2024. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián Võ Văn Đoàn cho biết, toàn phường hiện có 23 hộ nghèo còn sức lao động. Qua đối thoại, 2 hộ có nhu cầu xây mới nhà ở, 10 hộ cần sửa chữa nhà, 4 hộ cần vốn buôn bán,7 hộ cần sinh kế.
“Việc gặp mặt, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo có ý nghĩa quan trọng, giúp triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Thông qua đối thoại, chính quyền địa phương nắm rõ hơn nguyên nhân nghèo và mong muốn của từng hộ để xây dựng phương án hỗ trợ hiệu quả, đúng nhu cầu”, ông Đoàn nói.
Sớm trao “cần câu”
Bà Trần Thị Như Nguyệt, cán bộ phụ trách giảm nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Khê cho biết, toàn quận hiện có 337 hộ nghèo còn sức lao động, mục tiêu đến cuối năm thoát 200/337 hộ nghèo. Thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND quận chỉ đạo các phường tổ chức đối thoại với hộ nghèo để sớm tiến hành hỗ trợ.
“Tính đến thời điểm này, toàn quận đã hoàn thành đối thoại với hộ nghèo. Trong tháng 3-2024, UBND quận và các phường sẽ trao hỗ trợ sinh kế; đồng thời kết nối với chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội quận Thanh Khê thẩm định, cho vay vốn, tạo điều kiện cho hộ nghèo làm ăn, buôn bán để vươn lên thoát nghèo”, bà Nguyệt nói.
Tương tự, 13 phường thuộc quận Hải Châu cũng vừa hoàn thành công tác đối thoại với hộ nghèo. Bà Huỳnh Thị Mỹ Lệ, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận Hải Châu cho biết, để triển khai hiệu quả kế hoạch giảm nghèo năm 2024, bên cạnh các chính sách của thành phố, UBND quận và các phường ưu tiên vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội như “Mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký giúp đỡ 1 địa chỉ nhân đạo”; trao học bổng cho sinh viên con hộ nghèo, “Hải Châu ngày mới - Kết nối yêu thương”…
“Mục tiêu năm 2024 của quận Hải Châu là giảm 244 hộ nghèo còn sức lao động và 90 hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố. 20 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; 100 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ giới thiệu việc làm; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản…”, bà Lệ thông tin.
Trong khi đó, các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang đang tiến hành đối thoại với hộ nghèo để sớm trao “cần câu” cho hộ nghèo làm ăn. Theo bà Thái Thị Phương Lan, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận Sơn Trà, năm 2024, quận phấn đấu giảm 410 hộ nghèo còn sức lao động và 270 hộ cận nghèo. Trong đó, hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% hộ nghèo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng; giới thiệu học nghề cho khoảng 20 người và kết nối giới thiệu việc làm cho 200 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đã đề nghị chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể các địa phương khẩn trương tổ chức gặp mặt, đối thoại, đánh giá nguyên nhân nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo và sớm triển khai các chính sách hỗ trợ theo đúng nhu cầu, tránh để dồn đến cuối năm; đồng thời phân công các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế… để hộ nghèo có phương tiện làm ăn, có việc làm, thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố đặt mục tiêu giúp gần 2.300 hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo, trong đó: thoát hết 112 hộ nghèo thuộc diện người có công, 505 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, 250 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể: hỗ trợ xây mới 70 nhà và sửa chữa 180 nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động; xây dựng ít nhất 10 mô hình giảm nghèo. 100% người thuộc hộ nghèo tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định. |
LAM PHƯƠNG