Công tác xã hội đang được Đảng, Nhà nước quan tâm và phát triển. Công tác xã hội là hoạt động chuyên môn được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm giúp đỡ các đối tượng cá nhân, nhóm, cộng đồng giải quyết những vấn đề xã hội mà họ gặp phải.
Bí thư Đoàn Sở LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng công trình thanh niên “Góc học tập cho em” cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. |
Thực hiện Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội, thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn thành phố, với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên xã hội đủ về số lượng và đảm bảo tính chuyên nghiệp; đồng thời, phát triển hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ Công tác xã hội đáp ứng yêu cầu, đa dạng, thuận tiện, dễ tiếp cận, nhằm hướng đến xây dựng một thành phố thân thiện, đáng sống
Hiện nay, mạng lưới cán bộ xã hội của các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương với hàng ngàn cán bộ, cộng tác viên, nhân viên Công tác xã hội làm cánh tay nối dài, vươn đến cộng đồng, từng hộ gia đình, từng đối tượng để hỗ trợ đối tượng yếu thế tiếp cận hiệu quả các dịch vụ, chính sách xã hội. Điều đó đã góp phần giúp thành phố thực hiện thành công các chương trình an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù mang thương hiệu như: thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, Đà Nẵng tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân, khẳng định danh xưng thành phố đáng sống trên cả nước và khu vực.
Thời gian qua, thành phố cũng đã huy động sự vào cuộc của các cơ sở cung cấp dịch vụ, vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên trung tâm và mạng lưới; đa dạng hóa các hình thức truyền thông để người dân biết đến trung tâm, cũng như ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp người khuyết tật.
Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp, nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng và phồn vinh của xã hội.
Với điều kiện ở Việt Nam, Công tác xã hội càng có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.
Đà Nẵng với điều kiện về môi trường văn hóa, con người thuận lợi cho việc phát triển nghề Công tác xã hội và là thành phố được cộng đồng các tổ chức quốc tế công nhận về sự cởi mở, chân thành, nhiệt huyết trong công tác xã hội, chịu khó học hỏi kinh nghiệm quốc tế, những mô hình hay, những cách làm hiệu quả để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và nhất là các đối tượng yếu thế. Với số lượng hàng ngàn người dân trong thành phố cần sử dụng các dịch vụ công tác xã hội, đòi hỏi chúng ta cần quan tâm đầu tư nhiều hơn từ việc xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách trong công tác đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực đến việc đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề Công tác xã hội. Cần xác định rõ đây là một nghề sẽ hướng đến sự chuyên nghiệp hóa, bởi vậy cần có những phương pháp, kiến thức, kỹ năng làm việc, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp … có như vậy, những nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng mới phát huy được hiệu quả. Người dân cũng sẽ được nâng cao năng lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh và sự chung tay của gia đình, cùng cộng đồng, để vươn lên và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc tăng cường số lượng đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội theo chủ đề năm 2024 của thành phố là: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
MINH LAN