Ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có một lớp học đặc biệt, bởi chẳng có ghế bàn, bục giảng. Lớp học chỉ có vài em nhỏ khiếm thị với niềm đam mê âm nhạc, do anh Đặng Tấn Ba (SN 1980, tỉnh Quảng Nam) tổ chức dạy miễn phí cho các em nhỏ vào tối từ thứ 2 đến thứ 5.
Sinh ra tại một vùng quê nghèo, anh Đặng Tấn Ba không may bị khiếm thị từ nhỏ. Năm 12 tuổi, anh được tuyển vào học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Sau khi học xong cấp 3, anh được trung tâm mời ở lại làm nhân viên hỗ trợ. Từ đó đến nay, anh có hơn chục năm làm công tác hỗ trợ tại trung tâm. Ngoài công việc chính là dọn dẹp, hỗ trợ âm thanh, máy móc mỗi khi trung tâm có sự kiện, anh Ba dành thời gian rảnh mỗi tối để dạy đàn miễn phí cho các em học sinh khiếm thị có niềm đam mê với âm nhạc.
Lớp học chỉ có 5 cây đàn cũ, vài cây đã hỏng, sợ các em không có đàn để học, thế là anh Ba sửa chữa cho các em dùng tạm. Cả thầy và trò đều bị khiếm thị nên việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức có phần khó khăn. Các em không thể nhìn được hợp âm, mà phải nghe qua lời dạy của thầy và cảm nhận từng vị trí nốt bấm qua đôi tay của mình. Thế nhưng, anh luôn ân cần, tận tình đến chỗ từng em để hướng dẫn cách đặt tay ở vị trí nào cho đúng. Vừa dạy, anh Ba vừa động viên: “Cố lên, sắp làm được rồi đó con!” để động viên các em.
Hơn ai hết, anh Ba hiểu rất rõ sự bất hạnh của các em nhỏ có chung hoàn cảnh. Nhờ sự giúp đỡ, sẻ chia của anh, các em không những được thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc mà càng ngày càng biết trân quý cuộc sống và biết nuôi dưỡng ước mơ để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Em Lê Trần Ái Nhi (15 tuổi) cho biết, trước đây, em rất tự ti vì bị khiếm thị, nhưng nhờ thầy Ba tiếp thêm động lực, giờ đây em đã tự tin hơn, vui vẻ hơn rất nhiều. Ngoài những buổi học, các em còn được thầy Ba chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Thầy còn thường xuyên tặng phần thưởng, mua đồ ăn vặt để khuyến khích các em sau những buổi học tốt.
Ngoài công tác hỗ trợ hậu cần, dạy đàn miễn phí, anh Ba còn đóng góp rất nhiều công sức trong việc sáng chế ra các thiết bị dành cho người khiếm thị. Năm 2022, anh được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2021-2022 với sáng kiến “Ứng dụng thiết bị thu phát âm thanh không dây hỗ trợ cho công tác dạy và học cho người khiếm thị” tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng; giải nhì hội thi đồ dùng dạy học các trường, trung tâm chuyên biệt các tỉnh miền Trung năm 2022. Ngoài ra, anh được Hội người mù thành phố khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, chia sẻ: “Những việc làm của thầy Ba không phải ai cũng làm được, bởi xuất phát từ tình thương, sự thấu hiểu của thầy đối với các em học sinh. Có nhiều em tự ti, mặc cảm vì hoàn cảnh của mình thế nhưng nhờ có thầy Ba đồng hành, chia sẻ mà các em dần trở nên lạc quan và biết trân quý hơn cuộc sống của mình”.
KIM KHÁNH