Mặt trận các cấp chung tay bảo vệ môi trường

.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Mặt trận các cấp thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường tại cơ sở. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai góp phần bảo vệ môi trường vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Mặt trận phường Xuân Hà cùng các tổ chức thành viên phối hợp với UBND phường ra quân trồng cây gây rừng trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nhân dịp “Tết trồng cây” 2024.  Ảnh: T.K
Mặt trận phường Xuân Hà cùng các tổ chức thành viên phối hợp với UBND phường ra quân trồng cây gây rừng trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nhân dịp “Tết trồng cây” 2024. Ảnh: T.K

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Hà Nguyễn Tấn Nghĩa, Mặt trận phường thường xuyên phối hợp UBND phường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường tổ chức phong trào “Chống rác thải nhựa” và xây dựng mô hình “Tủ phân loại rác thải tái chế”. Đến nay, mô hình “Tủ phân loại rác thải tái chế” đã triển khai 27 tủ phân loại rác thải tại 20 khu dân cư (KDC). Mô hình này đã thu gom và bán phế liệu, thu được 53 triệu đồng sử dụng vào công tác hỗ trợ an sinh xã hội tại KDC. Bên cạnh đó, Mặt trận phường phối hợp UBND phường phát động “Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024”, trồng 100 cây phi lao ven biển Nguyễn Tất Thành; phối hợp Hội LHPN phường và Đoàn Thanh niên ra mắt mô hình “Ngôi nhà thu gom pin thải”, qua đó trao 24 nhà thu gom pin với tổng giá trị 6 triệu đồng cho 20 KDC và 4 cơ sở tôn giáo trên địa bàn.

Còn ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Bình Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, Mặt trận phường triển khai mô hình “Khu dân cư (KDC) thân thiện môi trường” đến 36/36 KDC trên địa bàn tập trung các tiêu chí về phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nilon, rác thải nhựa. Đối với nhóm thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, sau khi được phân loại sẽ được các KDC tập kết đến nơi quy định cho đầu mối thu mua phế liệu. Số tiền bán được sẽ sử dụng vào các hoạt động tại KDC như: hỗ trợ học bổng cho trẻ em hộ khó khăn, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn đột xuất, thăm hỏi các hộ chính sách, neo đơn dịp lễ, Tết…

Từ đầu năm 2023 đến nay, số rác tài nguyên thu gom được trên địa bàn phường là hơn 7 tấn, bán ra thu được số tiền hơn 80 triệu đồng làm nguồn quỹ chăm lo an sinh xã hội. “Cuối năm 2023, Mặt trận phường triển khai mô hình “Thu gom và tái sử dụng túi nilon” tại KDC Thanh Sơn 1A. Các túi nilon được bà con trong KDC thu gom khi đi chợ hằng ngày sẽ được giặt sạch sẽ, phơi khô, sau đó sẽ được phân loại và đem tặng các tiểu thương kinh doanh tại chợ Thanh Bình. Sau hơn nửa năm triển khai, mô hình đã trao tặng hơn 50kg túi nilon, góp phần giảm rác thải khó phân hủy ra môi trường”, bà Hương nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà cho biết, thực hiện “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Mặt trận quận Hải Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn thông qua nhiều hình thức, đa dạng hóa nội dung. Từ năm 2023 đến nay, Mặt trận quận chủ trì xây dựng và đang duy trì có hiệu quả mô hình “KDC thân thiện với môi trường” và mô hình “Đốt vàng mã trong thùng và không rải gạo muối ra đường” tại 333 KDC. Bên cạnh đó, Mặt trận quận phối hợp UBND quận Hải Châu tổ chức ngày hội “Thu gom rác tái chế” với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa” thu hút đông đảo người dân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tham gia. Trong ngày hội, đã thu gom được 349,3kg nhựa; 1.462,4kg giấy; 326,9kg kim loại và 15,1kg nilon các loại đã chuyển giao cho đơn vị thu mua tái chế. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân đối với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đẩy mạnh việc thu hồi rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, đặc biệt là túi nilon khó phân hủy.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn cho biết, các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường ở các KDC đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng. Qua đó, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp người dân thay đổi hành vi, lối sống, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, trồng và chăm sóc cây xanh. Việc sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh hợp lý, thu gom và xử rác thải sinh hoạt tại nguồn đã trở thành nền nếp ở các KDC làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

“Năm 2024, Mặt trận thành phố tiếp tục chỉ đạo Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh triển khai công tác phối hợp bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các quận, huyện, phường, xã; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa đến người dân và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố”, bà Mẫn nói.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.
Báo Giá inox phế liệu Việt ĐứcBảng Giá sắt vụn hôm nay