ĐNO - Những năm qua, đã có nhiều mô hình giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm cuộc sống người dân, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Đại diện Tổ chức AOGWR trao hỗ trợ sinh kế cho các hội viên phụ nữ ở huyện Hòa Vang. |
Theo đó, giai đoạn 2021-2023, nhiều mô hình giảm nghèo ở các hội đoàn thể, như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh thành phố đã hỗ trợ cho hơn 4.270 người nghèo tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Các mô hình điển hình như: Tổ góp vốn xoay vòng; Giúp nhau lập nghiệp; Mẹ đỡ đầu; Chăm sóc nhà cho bạn; Tổ liên kết giúp việc gia đình theo giờ… do Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn thành phố triển khai.
Chị Lê Thị Xuân Phương, hội viên của Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu dân cư số 4, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ cho biết, trước đây gia đình chị thuộc diện khó khăn ở địa phương, được tiếp cận nguồn vốn hộ nghèo với số tiền vay 50 triệu đồng, đến nay, gia đình trở thành một trong những hộ vay có nguồn thu nhập cao nhất tổ và là tấm gương vươn lên ở khu dân cư nói riêng và địa bàn phường nói chung.
Trong khi đó, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Tây, quận Sơn Trà đã hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các nguyên nhân khác, đến nay đã đỡ đầu 23 cháu, qua đó đã trao hỗ trợ chương trình “Mẹ đỡ đầu” với tổng số tiền gần 160 triệu đồng, trong đó kinh phí chương trình Mẹ đỡ đầu 86 triệu đồng; quà, sổ tiết kiệm, sách vở, quần áo… gần 70 triệu đồng.
Hội Nông dân cũng được biết đến với mô hình Trồng và cung cấp rau sạch; mô hình 100 ngày tiết kiệm vì hội viên nông dân nghèo, khó khăn hay mô hình CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Hội Cựu Chiến binh với mô hình Vận động nguồn lực giúp hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo; Tình đồng đội, đồng chí…
Tại xã Hòa Phong, đầu năm 2021, toàn xã có 119 hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố. Năm 2022, địa phương bắt đầu thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới của thành phố giai đoạn 2022-2025, xã có 142 hộ nghèo còn sức lao động.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, từ 2021-2023, toàn xã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Qua đó, địa phương xác định việc đối thoại để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo để có cách hỗ trợ phù hợp là biện pháp hữu hiệu đầu tiên trước khi triển khai thực hiện. Ngay quý 1 hằng năm, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức gặp mặt đối thoại với các hộ nghèo.
Từ năm 2021 - 2023, xã đã vận động và hỗ trợ theo nhu cầu hộ nghèo cho 51 hộ xây mới và sửa chữa nhà; hướng dẫn vay vốn cho 92 hộ; hỗ trợ sinh kế cho 82 hộ; hỗ trợ khác cho 169 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động ở xã là gần 3 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ này, toàn xã đã có 175 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Đáng chú ý, trong số hộ nghèo được hỗ trợ, đã một số hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, qua đó cho thấy từ sự quyết tâm của địa phương, cũng như ý thức tự cố gắng vươn lên của các hộ nghèo đã mang lại hiệu quả.
Không chỉ giúp hộ nghèo về chỗ ở, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố còn phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương thẩm định và giải ngân cho gần 3.700 lượt hộ vay vốn, trong đó có 1.077 hộ nghèo, 800 hộ cận nghèo và 1.200 hộ mới thoát nghèo có thêm điều kiện thuận lợi để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tăng thu nhập, với tổng số tiền 171,79 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, thoát nghèo, hộ cận nghèo là khoảng 250 tỷ đồng. Qua thực hiện cho thấy, 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ giải quyết. Đồng thời, các hội đoàn thể ở các địa phương kết hợp hướng dẫn cách làm ăn để các hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đúng mục đích, hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống, tạo động lực khuyến khích các hộ ý thức vượt lên những khó khăn trong cuộc sống để thoát nghèo bền vững…
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn thành phố.
Với phương pháp và cách tổ chức triển khai thực hiện năng động, sáng tạo, chặt chẽ, sát với từng hộ nghèo của các ngành, đoàn thể và các địa phương đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo cùng với các chương trình cho vay vốn tín dụng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động…. đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến cuối năm 2023, toàn thành phố còn hơn 4.000 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,39% (trong đó, có 900 hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương, chiếm tỷ lệ 0,3%).
Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, giai đoạn 2024-2025, thành phố phấn đấu giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố vào cuối năm 2025. Bảo đảm 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
M. LÊ - T. DUYÊN