Phố đi bộ Bạch Đằng dự kiến khai trương vào cuối tháng 4-2024 được kỳ vọng là một sản phẩm mới của điểm đến du lịch, một mô hình kinh tế ban đêm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của quận Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.
Phối cảnh một điểm check in và tổ chức sự kiện trên phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: H.H |
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng cho biết, UBND thành phố đã thống nhất chỉ đạo quận thực hiện phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng với thời gian bắt đầu từ cuối tháng 4-2024 đến cuối năm 2028; phố đi bộ hoạt động từ 15 giờ đến 24 giờ các ngày trong tuần. Không gian của phố đi bộ phố được triển khai trên đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ giáp đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC với chiều dài hơn 1km và kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Theo hiện trạng, mặt đường Bạch Đằng nối dài có chiều rộng 15m với 4 làn xe. Làn xe trong cùng ở phía đông sẽ được dùng để bố trí bố trí 5 cụm xe bán hàng lưu động (mỗi cụm 3 xe) từ 15 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Ba làn còn lại được tổ chức lưu thông 1 chiều, giới hạn tốc độ tối đa 40km/giờ theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Riêng 3 ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật) sẽ cấm xe trên toàn tuyến đường Bạch Đằng nối dài (đoạn từ đường Bình Minh 10 đến Công viên APEC).
Hướng di chuyển đến phố đi bộ là từ đường 2 Tháng 9 đi vào các đường ngang và đường Trần Văn Trứ được xác định là nơi đón, trả khách và phục vụ người dân lưu thông vào phố đi bộ. Vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng có bề rộng 12m sẽ được bố trí 3 cụm kios bán hàng di động (mỗi cụm 4 kios) xen kẽ với các cụm xe bán hàng trên đường. Các kios sẽ sử dụng container loại 20 feet khô (dài 6m, rộng 2,5m). Các kios và xe bán hàng lưu động do tư nhân tự đầu tư theo mẫu do quận cung cấp, bán các mặt hàng lưu niệm, thực phẩm, nước uống, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, OCOP… và tự cấp điện, tự xử lý nước thải, không xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Tại phố đi bộ cũng được bố trí 5 điểm check-in với các mô hình độc đáo; không gian sinh hoạt cộng đồng; các trạm phát wifi miễn phí; các cụm camera an ninh; cây xanh, ghế đá, trang trí đèn chiếu sáng nghệ thuật… Cùng với đó, tổ chức 3 bãi đỗ xe, bố trí 2 khu nhà vệ sinh xung quanh phố đi bộ để thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động. Tại phố đi bộ Bạch Đằng sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật; các lễ hội, sự kiện, hoạt động nghệ thuật đường phố...
“Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng cũng khớp nối nối với tuyến đi bộ qua cầu Nguyễn Văn Trỗi và đường Trần Hưng Đạo, cũng như qua cầu Rồng trở thành một tuyến phố đi bộ khép kín, liên hoàn giữa hai quận Hải Châu và Sơn Trà. Tại khu vực phía tây đường Bạch Đằng nối dài, quận sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em (được người lớn dắt theo) để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách đến trải nghiệm tại phố đi bộ Bạch Đằng. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, phố đi bộ Bạch Đằng sẽ được khai trương vào ngày 27-4-2024”, ông Trương Thanh Dũng nói.
Phối cảnh một góc phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: H.H |
Theo UBND quận Hải Châu, từ nay đến ngày khai trương phố đi bộ Bạch Đằng, có 12 nội dung được quận triển khai, trong đó có việc tổ chức đấu giá các vị trí đỗ xe bán hàng lưu động ở làn đường trong cùng phía đông và vị trí lắp đặt kios bán hàng trên vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng nối dài. Vì số lượng vị trí lắp đặt kios và đỗ xe bán hàng lưu động có giới hạn (27 vị trí trên chiều dài hơn 1km) nên quận phối hợp với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự tâm huyết, có năng lực để đồng hành cùng quận trong việc xây dựng phố đi bộ Bạch Đằng có hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu đề ra.
Ông Phạm Tuấn Anh, một hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ở bãi biển Mỹ Khê cho biết: “Phố đi bộ Bạch Đằng đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Những ngày nay tôi thường xuyên theo dõi thông tin từ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng để chuẩn bị đăng ký tham gia đấu giá vị trí lắp đặt kios lẫn đỗ xe bán hàng tại phố đi bộ Bạch Đằng.
Ước tính kinh phí đầu tư mỗi kios, xe bán hàng khoảng 200-300 triệu đồng và phí mặt bằng phải trả hằng tháng cũng như tiền trúng đấu giá, nhà đầu tư bỏ tiền ra nhiều, nhưng kỳ vọng là tuyến phố đi bộ Bạch Đằng sẽ thu hút nhiều người dân thành phố và du khách quan tâm, tham gia, thưởng thức không gian và dịch vụ. Tuy nhiên, để khách đến phố đi bộ Bạch Đằng luôn đông, không chỉ cần kết nối tour, tuyến tham quan để các đơn vị lữ hành đưa khách đến, mà các đơn vị chức năng cần tổ chưc các sự kiện, hoạt động để thu hút nhiều người dân, du khách đến tham gia”.
Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết: “Trong quá trình triển khai, quận sẽ giải quyết và xin ý kiến của thành phố đối với các vấn đề nảy sinh cũng như bổ sung các hạng mục, dịch vụ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng không gian phố đi bộ Bạch Đằng của người dân và du khách, đặc biệt là việc nới rộng thời gian hoạt động hằng ngày để phục vụ khách du lịch. Với phố đi bộ Bạch Đằng, quận kỳ vọng nơi đây là một điểm đến du lịch, phục vụ phát triển kinh tế của quận nói riêng và thành phố nói chung”.
HOÀNG HIỆP