Phụ nữ Đà Nẵng với áo dài truyền thống

.

Từ bao đời nay, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt, tô điểm thêm nét đẹp, sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Với phụ nữ Đà Nẵng, áo dài không chỉ là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng, mà ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống, được chị em ưu tiên sử dụng ở nhiều hoạt động xã hội.

Từ bao đời nay, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt, tô điểm thêm nét đẹp, sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Với phụ nữ Đà Nẵng, áo dài không chỉ là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng, mà ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống, được chị em ưu tiên sử dụng ở nhiều hoạt động xã hội.
Tiết mục trình diễn áo dài truyền thống trong chương trình trao giải thưởng “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức ngày 1-3-2024. Ảnh: X.D

Những năm gần đây, văn hóa mặc áo dài đang dần trở thành thói quen của nhiều phụ nữ Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Tại Đà Nẵng, hình ảnh chiếc áo dài truyền thống ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống người dân, là trang phục được phụ nữ lựa chọn mặc trong những ngày lễ, Tết, dịp kỷ niệm quan trọng, trong công sở, trường học… Trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, màn trình diễn áo dài truyền thống của các người mẫu luôn thu hút được sự chú ý của khán giả. Trang phục đặc trưng này còn trở thành đồng phục trong nhiều môi trường làm việc, bởi không chỉ tôn dáng, áo dài còn đem lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho người mặc.

Chị Hách Thị Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận Sơn Trà) cho biết, áo dài là trang phục được chị ưu tiên lựa chọn không chỉ trong những dịp lễ, Tết, mà còn trong các hoạt động hằng ngày. “Khi đi dạy ở trường, đi chơi hay chụp ảnh với gia đình, bạn bè, tôi thường mang áo dài. Bởi khi mang áo dài, tôi còn cảm thấy tự hào vì có thể lan tỏa vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam”, chị Phượng chia sẻ.

Hằng năm, vào dịp chào mừng kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), tà áo dài truyền thống gần như là trang phục thường thấy nhất trên khắp phố phường Đà Nẵng. Năm nay, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, Hội LHPN thành phố kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương mặc áo dài trong ngày làm việc và tổ chức các hoạt động thi, trình diễn áo dài. Những ngày qua, phụ nữ Đà Nẵng đã tích cực hưởng ứng và mạnh dạn chia sẻ hình ảnh đẹp khi mang áo dài lên mạng xã hội. Đặc biệt, một số tổ chức hội phụ nữ trên địa bàn đã có những hoạt động để tôn vinh áo dài, thu hút hội viên tham gia. Ngày 3-3 vừa qua, hàng trăm hội viên Hội LHPN phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đạp xe diễu hành áo dài qua các tuyến đường, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân Phạm Thị Hiền chia sẻ, hoạt động đạp xe diễu hành qua các tuyến phố của phụ nữ Hòa Xuân nhằm chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ, góp phần tôn vinh tà áo dài của phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh chị em duyên dáng đạp xe trong tà áo dài thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Đà Nẵng, luôn trân trọng truyền thống và ngày càng năng động, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển thành phố, đất nước.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Xuân diễu hành áo dài qua các tuyến đường của thành phố hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2024. Ảnh: X.D
Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Xuân diễu hành áo dài qua các tuyến đường của thành phố hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2024. Ảnh: X.D

Với những giá trị đặc biệt của áo dài, những năm qua, hàng loạt hoạt động để ghi danh áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên cả nước nỗ lực thực hiện. Đầu tháng 2-2024, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hỗ trợ phụ nữ phát triển, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới” giai đoạn 2024-2028 của Hội LHPN thành phố.

Trong đó, có nhiều nội dung về tôn vinh và phát huy giá trị, nét đẹp áo dài trong đời sống, điển hình như: giao Hội LHPN thành phố phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức và duy trì nếp chương trình tôn vinh áo dài - di sản văn hóa nhân dịp 8-3 hằng năm; mỗi hội LHPN quận, huyện, xã, phường tổ chức 1 hoạt động tôn vinh áo dài và 1 hội thi về thể dục, thể thao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân; lan tỏa tinh thần yêu văn hóa, văn nghệ, yêu áo dài Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều hơn phụ nữ tham gia vào tổ chức hội.

Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương, với vẻ đẹp thanh lịch, mỹ miều, đằm thắm mang đậm nét đặc trưng riêng, chiếc áo dài không chỉ là 1 di sản văn hóa, mà đã trở thành một biểu tượng của dân tộc, là một phần tâm hồn bản sắc Việt. Hội LHPN thành phố đề nghị các cấp hội tích cực hưởng ứng các hoạt động tôn vinh áo dài và xem đây là trách nhiệm, chỉ tiêu thi đua; tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức tại địa phương, đơn vị, cơ quan, nơi công tác hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” hằng năm bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trình diễn áo dài trong các cấp hội, tạo không khí vui tươi, lành mạnh và bảo đảm các quy định hiện hành. Thông qua đó, đáp ứng nhu cầu, sở thích của hội viên, hướng đến xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, góp phần xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện làm nền tảng để xây dựng thành phố an bình, đáng sống.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.